‘Gravity’, bộ phim thách thức mọi điều bất khả thi
Tác phẩm có sự góp mặt của Sandra Bullock và George Clooney đưa người xem hòa quyện vào vũ trụ sâu thẳm, đắm mình vào sự tĩnh lặng bao la và chiêm ngưỡng hành trình không tưởng.
“Sự sống trong không gian là điều bất khả thi”, lời đề tựa đầu tiên của bộ phim Gravity chính là lỗ đen gây tò mò đầu tiên, chuẩn bị hút khán giả trôi tuột vào khoảng không vũ trụ sâu thẳm và đầy nguy hiểm suốt 90 phút đồng hồ. Vượt lên trên tất cả sự đáng sợ ấy, bộ phim đầy thông minh này đem tới những trải nghiệm thị giác hùng vỹ không thể nào quên, một câu chuyện giành giật sự sống mạnh mẽ tới kinh ngạc và một thiên hùng ca phản ánh ý nghĩa cuộc sống trong nội tâm sâu thẳm mỗi con người.
Bị quy chụp là một phim khoa học viễn tưởng nhưng Gravity tiếp cận không gian theo hướng khoa học chứ không có bất kỳ yếu tố viễn tưởng nào. Không có nhiều bộ phim mô tả vũ trụ theo phong cách đầy hiện thực như thế. Ngoài Alien (1973) và 2001: A Space Odyssey (1968), Gravity mới có thể coi là bộ phim tiếp theo thách thức được sự bất khả thi trong việc đem tới trải nghiệm đáng tin cậy đến độ kinh hoàng về cuộc sống ngoài không gian.
Sandra Bullock và George Clooney là hai diễn viên duy nhất góp mặt trong "Gravity".
Trong phim, kỹ sư cơ khí Ryan Stone (Sandra Bullock) và phi hành gia lão luyện Matt Kowalsky (George Clooney) bị cô độc ngoài không gian vũ trụ tối tăm vì mảnh vỡ từ một vệ tinh khác đã phá hỏng tàu của họ. Đối diện với tử thần, họ buộc phải dũng cảm vượt qua thời khắc khó khăn, nỗ lực hết mình để có thể sống sót.
Hành trình của Ryan và Matt trong phim dù mang nặng tính chất của dòng phim Techno-Thriller, vẫn được trình bày giống như dưới lăng kính của những bộ truyện tâm lý sinh tồn dán mác Jack London. Nếu như so sánh giản đơn và gần gũi hơn, Gravity có tiền đề tương tự như Life of Pi (2012) - đều là câu chuyện kịch tính về sinh tồn trong một không gian khắc nghiệt nhằm thử thách sự dũng cảm, mưu trí của con người. Pi trôi dạt trên Thái Bình Dương cùng một con hổ Bengal còn Ryan thì mắc kẹt ngoài không gian vũ trụ, nơi không có âm thanh, oxy và mất liên lạc với Đài chỉ huy. Cả hai bộ phim đều hoàn thiện xuất sắc cuộc đấu tranh sinh tồn này và làm khán giả choáng ngợp, để rồi phải “tin vào điều không tưởng” ấy.
Tương tự như Life of Pi, Gravity gây sững sờ cho khán giả về công nghệ và kỹ thuật làm phim. 12 phút sống động tới hoàn mỹ đầu tiên được thực hiện hoàn toàn trong một cú máy long shot (kéo dài) chứng tỏ tài năng chỉ đạo, dàn dựng chuyển động hoàn hảo của đạo diễn, khả năng hóa thân tuyệt vời của dàn diễn viên (diễn chủ yếu trước phông xanh) và đặc biệt là công nghệ xử lý đồ hoạ vi tính để chèn kỹ xảo vào sau. Có rất nhiều cú long shot như thế trong phim. Nhằm tạo ra cảnh sắc chân thật nhất cho khán giả, đạo diễn thậm chí còn “cả gan” quay theo điểm nhìn của nhân vật (POV) khi đột nhập vào bên trong chiếc mũ của Ryan để chính khán giả trải nghiệm nỗi cô đơn, sợ hãi khi bị trôi dạt ngoài vũ trụ. Đó là một hành trình thị giác và cảm giác kinh hoàng với công nghệ 3D.
Gravity đưa người xem lên một không gian tách xa sự sống với những tòa nhà to lớn, đông đảo con người, những âm thanh xô bồ náo nhiệt của thành phố quen thuộc. Trong suốt bộ phim, khán giả chỉ thấy hai con người đi lại với tốc độ siêu chậm (slow-motion) trong một khoảng không yên tĩnh chết chóc. Với việc chuyển đổi bối cảnh ra vũ trụ không trọng lực, đạo diễn Alfonso Cuaron hiện thực hóa điều mà xã hội hiện đại hàng mong muốn - con người tạm gạt hết đi mọi níu kéo của dòng đời, sống chậm lại, suy nghĩ nhiều hơn về sự tồn tại của mình.
Bối cảnh phim "Gravity" được đặt hoàn toàn ngoài không gian tĩnh lặng.
Khi được hỏi lý do làm việc ngoài vũ trụ, Ryan nói là vì muốn có “sự yên lặng”. Cô muốn tĩnh tâm lại khi chẳng có một sức hút nào làm cô muốn níu lại ở Trái Đất. Thế nhưng trong suốt chiều dài bộ phim, khi Ryan muốn liên lạc với mọi người, cô chỉ nhận được sự im lặng và điều đó làm nỗi sợ hãi dần chuyển thành hoảng loạn.
Sự tĩnh lặng ghê người khi ta nhận ra mình bị tách khỏi giống loài hoàn toàn không phải là tình cảnh của riêng Ryan trong Gravity mà nó xuất hiện ở mọi nơi trên Trái Đất, biến bộ phim trở thành câu tự vấn về sự liên kết giữa bản thân mình với cuộc sống. Việc lồng ghép nhiều lớp ý nghĩa ẩn dụ khác nhau trên nên một câu chuyện dễ hiểu biến Gravity trở thành một bộ phim thông minh khi bắt khán giả phải chờ hết 90 phút mới có thể có những lý giải của riêng mình.
Trong một bộ phim mà nhân vật chính bi quan từ phút đầu tiên khi cô chạy trốn cuộc sống và từ chối cảnh tượng đẹp đẽ của Trái Đất nhìn từ vệ tinh, khi cô không thể bỏ đi kỷ niệm cũ về người con gái nhỏ, khi cô trôi dạt chờ cái chết giữa khoảng không bao la, thì sự lạc quan đến từ câu chuyện nhỏ hài hước được kể trong phim, điệu bộ tưng tửng quá mức của Matt… là điều tối cần thiết đối với không khí phim.
Ngoài ra, những lời thoại dày đặc không nhiều ý nghĩa về thông tin nhưng lại có tác dụng giúp họ chống đỡ lại sự yên lặng chết chóc của vũ trụ, như thể đấu tranh để không hòa mình vào nó, chờ cơ may quay lại Trái Đất. Gravity là bộ phim có một kết cấu chắc chắn, thẳng thắn không hồi tưởng, có những khó khăn tăng tiến theo hành trình, khiến sự tranh đấu của các nhân vật chính được nổi bật.
Trên nền âm nhạc đưa đẩy và dàn trải để hòa nhịp với vũ trụ của Steven Price, bộ phim kéo dài 90 phút mà tưởng chừng vô tận như đời người, với đủ nỗi hạnh phúc, tuyệt vọng, khi các nhân vật vui, buồn và chống đỡ với những trở ngại bất ngờ của vũ trụ hiện tại hay bi kịch quá khứ.
Hình ảnh Ryan cuộn mình trong tư thế bào thai mang biểu trưng về một con người mới chuẩn bị tái sinh.
Cảnh Ryan bước lên khỏi mặt nước giống như loài bò sát trườn lên bờ hàng triệu năm về trước chứng tỏ cô đã “tiến hoá” lên, thích ứng được với môi trường để có thể sống tiếp. Hình ảnh phi hành gia Ryan bước từng bước để quen dần với trọng lực Trái Đất ở cuối phim y như một đứa trẻ đang chập chững những bước đi bỡ ngỡ đầu đời, hàm ý về một con người mới của Ryan được sinh ra sau bao khổ nạn ở một chiều không gian sống bất khả thi. Hành trình đầy chết chóc trong môi trường nguy hiểm ấy bỗng trở thành quá trình tái sinh huy hoàng của chính cô.
Trở lại màn ảnh sau sáu năm vắng bóng, Alfonso Cuaron đã đem tới một bộ phim hoàn mỹ và kỳ vỹ, thử thách những nấc thang cao nhất về kỹ thuật làm phim giàu hiện thực trong không gian cùng phần nội dung chứa đựng nhiều chất khơi gợi về bản ngã và ý nghĩa cuộc đời. Gravity vừa đem tới một trải nghiệm hiếm hoi thỏa mãn thị giác, thính giác, lay động cảm xúc sâu thẳm trong tim, vừa mong khán giả tĩnh tâm, gạt lại những ưu tư thường nhật mà thư thái ngồi yên lại trên chiếc ghế trong rạp chiếu và chứng kiến cuộc đấu tranh sinh tồn trong một chiều không gian của trí tưởng tượng – màn ảnh rộng.
Với diễn xuất tuyệt vời của Sandra Bullock và George Clooney, hành trình giành lại sự sống trong không gian vũ trụ khi oxy và lựa chọn ngày càng ít dần ấy càng trở nên nghẹt thở hơn bao giờ hết. Mỗi lần hít thở lại khiến họ tiêu đi chút oxy ít ỏi còn lại và khiến họ tới gần hơn với cái chết. Chưa bao giờ hành động bản năng duy trì sự sống đơn thuần ấy lại trở nên nguy hiểm tới nhường này. Đề cập tới chu kỳ sinh – tử quen thuộc, Gravity đã ca tụng những người biết hướng tới sự vô cùng trong cuộc sống, bất chấp họ chỉ là kẻ hữu tử như ai.
Gravity làm khán giả đê mê, choáng váng trong trạng thái không trọng lực hồi hộp và bất khả thi, đồng thời vẫn đưa tới một chuyến du hành đậm tính tâm linh về khát khao quay trở lại với hành tinh xanh quen thuộc với sự sống, có trọng lực và đầy điều khả thi. Ở đó, con người ta đôi khi phải buông tay, bỏ qua những điều vướng bận trong quá khứ và bản thể cũ để có thể tái sinh thành một con người mới với những ý thức mới.
TRAILER