IMDb : 6.3/10
‘Ngôi Lều Bí Ẩn’: Chuyến Dã Ngoại Tĩnh Tâm Cùng Chúa Trời
Tác phẩm điện ảnh mang đề tài tôn giáo là chuyến hành trình đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở: tại sao Chúa lại bắt con người phải chịu đựng những khổ đau?
Dựa trên nguyên tác văn học ăn khách cùng tên của nhà văn William P. Young, The Shack là câu chuyện về người đàn ông phải chịu đựng nhiều bất hạnh Mack Phillips (Sam Worthington). Giữ nguyên tinh thần của tác phẩm gốc, phim sử dụng yếu tố tôn giáo làm phông nền và động cơ dẫn dắt toàn bộ cốt truyện.
Câu chuyện bi kịch của một người đàn ông
Những năm tháng ấu thơ sống cùng người cha bạo lực, nghiện rượu khiến Mack luôn tâm niệm phải trở thành một người cha, người chồng tốt, và là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.
Không tin vào Chúa trời, nhưng anh luôn chăm chỉ đưa người vợ đẹp và ba đứa con ngoan đi lễ vào mỗi ngày Chủ nhật. Tại đó, mọi người cùng nhau hát thánh ca và cầu nguyện. Còn Mack thì chỉ lặng lẽ đứng yên, lạc lõng trong những ám ảnh về quá khứ và nỗi cô đơn với đức tin của riêng bản thân.
Song, cuộc đời luôn đem đến những sự kiện chẳng ai ngờ tới. Vào cái ngày định mệnh, cô con gái út Missy (Amélie Eve) bỗng nhiên mất tích trong chuyến cắm trại cùng gia đình.
The Shack là bộ phim mang đề tài niềm tin tôn giáo và đem đến cho người xem bài học về sự thứ tha.
Chính quyền lập tức tổ chức tìm kiếm, để rồi Mack phải chứng kiến cảnh cô bé đáng yêu của mình nằm bất động trong một túp lều bí ẩn. Cái chết của Missy không được đề cập trực tiếp, mà chỉ hiện ra bằng hình ảnh ẩn dụ là chiếc váy đỏ bê bết máu.
Ban đầu, ngôi lều bí ẩn nằm lọt thỏm giữa rừng sâu được khắc họa theo hướng kỳ dị, đáng sợ với cái chết của một đứa trẻ. Nhưng khi Mack nhận được lá thư lạ lùng, mời anh trở lại hiện trường, nó bỗng hóa thành địa điểm tuyệt đẹp, với phong cảnh thiên nhiên quyến rũ tựa chốn thiên đường.
Bức thư bí ẩn được ký tên Papa - biệt hiệu mà cô bé Missy khi còn sống thường dùng để gọi Chúa. Và nó trở thành niềm hy vọng cuối cùng, đưa Mack Phillips bước vào hành trình vượt qua đau đớn, tuyệt vọng và oán hận.
Những sáng tạo trong đề tài tôn giáo
Sau thành công của bom tấn Avatar (2009), tài tử Sam Worthington luôn bị đóng khung vào những vai diễn gai góc, lì lợm, nhưng được xây dựng mờ nhạt tới chán nản.
Nhưng ở The Shack, nam diễn viên người Australia gây bất ngờ bằng lối diễn tự nhiên, giản dị, nhưng thể hiện tốt mọi cung bậc cảm xúc của một người cha mang nhiều tổn thương từ quá khứ tới hiện tại.
Nhân vật Mack (Sam Worthington) và ba hình tượng đại diện cho Chúa Ba Ngôi trong phim. Đây là chi tiết sáng tạo rất thú vị của The Shack.
Điểm thú vị và bất ngờ nhất của tác phẩm là cuộc gặp gỡ lạ kỳ giữa Mack với ba nhân vật “bằng xương bằng thịt”, tự nhận là đại diện cho Chúa Ba Ngôi. Gạt bỏ định kiến, The Shack gây ngạc nhiên khi khắc họa nhiều hình ảnh mới về quan niệm Chúa trời cho đại chúng.
Đó là một Đức Chúa Con (Jesus) với ngoại hình đậm chất Trung Đông do Avraham Aviv Alush thể hiện, và Đức Thánh Thần mang hình dáng phụ nữ châu Á (thay vì là một con bồ câu) do nữ diễn viên Sumire Matsubara người Nhật Bản khắc họa.
Còn Đức Chúa Cha (hay còn gọi là Papa) lại xuất hiện dưới hình dáng một phụ nữ da màu hiền hậu, và do Octavia Spencer đảm nhận. Nhân vật tượng trưng cho bóng hình một bà hàng xóm thân thiện mà Mack đã lãng quên trong quá khứ.
Thông qua chi tiết ấy, The Shack muốn ngụ ý rằng Chúa trời xuất hiện và đến bên con người trong những vai trò, hình dạng phù hợp với cuộc sống của mỗi cá nhân, chứ không hề tuân theo một khuôn mẫu chung đồng nhất.
Mở đầu phim, The Shack đặt ra hàng loạt câu hỏi “tại sao” mà con người dành cho Chúa thông qua những thắc mắc hồn nhiên của cô bé Missy. Tại sao trong truyền thuyết của người Mỹ bản địa, Linh hồn Vĩ đại lại để nàng công chúa hiến tế bản thân? Tại sao Chúa lại để Jesus chịu cảnh đau đớn đến chết trên thập tự giá? Và trên hết, tại sao người tốt lại gặp nhiều khổ đau đến vậy?
Hình ảnh tuyệt đẹp trong The Shack là chất xúc tác giúp người xem tiếp thu tốt hơn thông điệp nhân văn của tác phẩm.
Trong phần còn lại của tác phẩm, “Papa” Chúa Cha cùng Jesus và Đức Thánh Thần cứ thế dẫn dắt, đưa ra đáp án cho từng câu hỏi. Họ giúp nhân vật Mack học cách hiểu và cảm thông qua góc nhìn của Chúa, còn khán giả rút ra bài học riêng về sự hận thù và thứ tha.
Bên cạnh thông điệp nhân văn, The Shack cũng ghi điểm nhờ những thước phim đẹp đẽ, mộng mơ. Bối cảnh chính của bộ phim giống như một khu vườn mê hoặc, cuốn người xem vào chốn bình yên, tĩnh lặng để thư giãn, tĩnh tâm và trải nghiệm lại cuộc đời. Phần hình ảnh chính là công cụ hữu hiệu, góp phần giữ chân khán giả theo dõi câu chuyện tâm lý nhuốm màu tâm linh đến tận phút chót.
Tuy được xây dựng từ chất liệu tôn giáo, nhưng The Shack không đơn thuần là tác phẩm điện ảnh thuyết giáo chỉ dành cho những ai tin vào Chúa trời. Bản thân bộ phim là phép ẩn dụ đầy tính triết lý về cuộc sống và con người.
Thông điệp mà The Shack muốn truyền tải thực sự giản đơn, dành cho cả người theo đạo lẫn không theo đạo: hãy trân trọng và yêu thương những người vẫn còn đang ở bên cạnh ta. Đừng mãi đắm chìm trong sự phán xét, hận thù và khổ đau, để rồi tự làm bản thân và người bên cạnh tổn thương.