IMDB: 7.0/10
Mrs. Doubtfire của Robin Williams phim gia đình đáng xem nhất của mọi thời đại
'' Nụ cười và nước mắt, sự sống và cái chết. Cuộc đời như một giấc mơ mà chúng ta đang say sưa trong đó. Vậy nên, để không phải tiếc nuối điều gì, hãy khiến cuộc đời mình trở nên đặc biệt…'' Robin Williams
Khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất trong phim Mrs. Doubtfire không phải là khi Robin Williams bị nhét vào đôi tất giấy và những tấm độn ngực bên cạnh một bể bơi trong ngày nắng nóng, hay khi bộ ngực của Mrs. Doubtfire suýt bị cháy, hay trong cảnh nhân vật của ông, trước mặt chính các con, bị lật tẩy là người cha của chúng đang đóng giả làm bà bảo mẫu người Scotland, và ông chạy tóe khói ra khỏi một nhà hàng sang trọng vừa chạy vừa trút bỏ xiêm y phụ nữ.
Robin Williams trong vai bà Doubtfire
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là ở cuối phim, với lời thoại và cái kết mang tính đột phá trong một bộ phim Hollywood: một cái kết khi mà đôi vợ chồng không quay lại với nhau, gia đình tan vỡ không được hàn gắn. Thay vào đó, một kiểu gia đình trong phim hiện đại khác hiện ra: bố mẹ ly hôn nhưng vẫn được gắn kết bởi những đứa con được thương yêu.
Rồi chính bà Doubtfire cũng có những lời phát biểu nhấn mạnh những giá trị làm nên một gia đình.
Sự nổi bật của bộ phim này nằm ở năm nó ra mắt: 1993 là năm đỉnh điểm trong những cuộc chiến tranh văn hóa, năm sau khi người chống lại quyền lợi cho người đồng tính khét tiếng Pat Buchanan đã phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa Mỹ và nói với các cử tri tham dự rằng những kế hoạch của Bill và Hillary Clinton sẽ “áp đặt vào nước Mỹ - gồm khả năng tự chọn phá thai, sự chọn lọc tư tưởng đối với những người giữ chức tại Tòa án Liên bang, quyền lợi cho người đồng tính, mất quyền lợi cho những trường học tôn giáo, và nữ giới trong quân đội – tất cả đều là thay đổi, đúng thế. Nhưng đó không phải thay đổi mà nước Mỹ muốn. Đó không phải thay đổi nước Mỹ cần. Đó không phải thay đổi chúng ta có thể chấp nhận trong một đất nước vẫn được gọi là quốc gia của Chúa.”
Khi Bill Clinton tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/1993, hy vọng của những người đồng tính dâng cao, nhưng những tiếng nói phản đối cũng lớn không kém. Vào mùa xuân năm đó, cuộc “Diễu hành ủng hộ quyền lợi và sự giải phóng người đồng tính và song tính (Lesbian, Gay & Bi (LGB) – lúc đó cụm từ viết tắt này còn chưa gồm chữ T cho transgender (chuyển giới tính) hay những nhóm thiểu số về giới tính khác) tại Washington” đã thu hút hàng triệu người tham gia.
Một bản tuyên ngôn được đưa ra yêu cầu sự bình đẳng pháp lý trong tất cả các yếu tố cuộc sống cho người đồng tính và song tính. Trong khi chiến dịch yêu cầu quyền lợi này lấy đà, những người chống lại nó cũng tăng nỗ lực đàn áp.
Tom Hanks trong Philadelphia
Văn hóa đại chúng sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa những người đồng tính lên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng, đưa họ vào tâm trí và trái tim của những tầng lớp hạng trung của nước Mỹ. Trước khi có những loại thuốc hiện đại, AIDS vẫn đang hoành hành với hậu quả bi thảm, và vẫn còn nhiều phân biệt đối xử với những người bị bệnh này.
Dù bây giờ điều này có thể đáng ngạc nhiên – trong một thời đại khi những nhân vật đồng tính, cốt truyện đồng tính và cả một phim truyền hình về người đồng tính đang tồn tại – nhưng ngày đó sự xuất hiện của những người đồng tính trên phim điện ảnh và truyền hình hiếm đến nỗi tạo dư luận khi họ xuất hiện. Năm Mrs. Doubtfire ra mắt cũng là năm Philadelphia được chiếu, và trong phim Tom Hanks vào vai một luật sư đồng tính (với người bạn đời của anh do Antonio Banderas đóng) đang sắp chết vì bệnh AIDS.
Môi trường chính trị và văn hóa đang chuyển đổi nhưng một cách thật chậm chạp. Đây là nhiều năm trước Queer as Folk và The L Word. Những nhân vật đồng tính nổi bật trong những phim như Thirtysomething và Roseanne, nhưng còn phải bốn năm nữa Ellen DeGeneres mới công khai giới tính của mình.
Màn ảnh rộng cho phép nhiều viễn cảnh đưa đại diện các nhóm giới tính lên phim hơn là phim truyền hình. Go Fish (1994) được cho là phim về đồng tính nữ mang tính đột phá. Mrs. Doubtfire là phim đầu tiên trong một chuỗi những phim về nam giới (đồng tính và không đồng tính) mặc đồ nữ, gồm The Adventures of Priscilla: Queen of the Desert (1994) và To Wong Foo, Thanks for Everything! Julie Newmar (1995), và The Birdcage — phiên bản La Cage aux Folles của Hollywood — vào năm 1996, với Williams trong vai Armand, người bạn đời lâu năm của Albert do Nathan Lane đóng.
Cảnh phim Mrs. Doubtfire
Nhưng chính Mrs. Doubtfire là phim nhóm lửa cho một xu hướng làm phim hấp dẫn và cảm động này, và tất cả là vì diễn xuất đầy cảm hứng và nhạy cảm của Williams. Quá trình nam đóng giả nữ của nhân vật của Williams được giám sát bởi một cặp đôi đồng tính nam: Harvey Fierstein, vào vai anh trai của Williams, Frank, và bạn trai của Frank, Jack, do Scott Capurro đóng.
Trong phim, chúng ta tin Williams thực sự là cả người cha kém may mắn, và bà bảo mẫu người Scotland nhân hậu. Chúng ta yêu bà Doubtfire vì bà là bà Doubtfire, chứ không phải vì bà là một chuỗi phim gây cười về việc một người đàn ông mặc quần áo phụ nữ. Như Sally Field và đám trẻ ở cuối phim, chúng ta cảm thấy buồn khi bí mật bị lật tẩy vì chúng ta sẽ không được gặp bà bảo mẫu nữa.
Đến cuối phim, khi bà Doubtfire bị phát hiện là Daniel, cha của đám trẻ bà chăm sóc, Field, trong vai vợ cũ của Daniel, Miranda, phát điên vì giận dữ khi phát hiện chồng mình đã đóng giả làm người đàn bà Scotland, Euphegenia Doubtfire. Nhưng đám trẻ lại muốn bà Doubtfire trở lại, và cuối cùng Miranda cũng muốn và đồng ý cho Daniel dành thời gian với đám trẻ. Bộ đồ hóa trang của anh đã trở thành đồng phục đi làm: bà Doubtfire ấm cúng và thông thái trở thành ngôi sao truyền hình trong mắt các con.
Trong khi đám trẻ đi chơi với người bố giờ mặc thường phục, Miranda xem một tập trong chương trình truyền hình của bà Doubtfire, và trong đó, bà bảo mẫu, với giọng Scotland nhẹ, nói chuyện với một cô gái nhỏ tên Katie, vì bố mẹ cô bé đang ly thân:
“Nhiều cặp bố mẹ, khi giận nhau, họ cảm thấy sống tốt hơn khi không sống cùng nhau. Như thế họ sẽ không cãi nhau nữa, và trở thành những người tốt hơn, có thể làm bố mẹ tốt hơn của cháu.”
“Và cháu à, có thể họ sẽ quay lại với nhau, có thể không. Dù không, cháu cũng đừng tự trách mình. Chỉ vì họ không còn yêu nhau nữa không có nghĩa rằng họ không còn yêu cháu nữa.”
Chỉ những lời đó thôi đã tác động mạnh. Nhưng rồi nhận vật của Williams tiếp tục: “Katie à, gia đình có nhiều loại lắm. Có những gia đình chỉ có mẹ, hoặc chỉ có bố, hay có tận hai gia đình. Nhiều trẻ em sống với cô chú, với ông bà. Có những đứa trẻ sống với bố mẹ nuôi.”
Đương nhiên bà Doubtfire không nhắc tới các gia đình đồng tính. Với năm 1993 như thế vẫn là quá lộ liễu. Chỉ 20 năm thôi, chúng ta đã đi được một quãng đường dài. Nhưng đây là một giây phút quyết định trong thể loại phim gia đình của Hollywood, và cảnh cao trào của bộ phim đang giải thoát cho khái niệm “gia đình”, mở rộng nó.
Bà Doubtfire tiếp tục nói rằng có những gia đình sống xa nhau, và lâu mới gặp lại nhau: “Nhưng khi có tình yêu, cháu yêu ạ, thì những mối quan hệ đó vẫn quấn chặt, và cháu sẽ còn có gia đình bên mình mãi mãi.”
Và đó, trong cảnh phim cuối cùng, chúng ta thực sự tin những lời nói về gia đình của một nhân vật nam trong một bộ phim Hollywood đang vận đồ của một người phụ nữ trung niên. Sự chân thực của lời nói, việc bộ phim từ chối đáp ứng quan điểm sẵn có của khán giả Hollywood đều ấn tượng không kém diễn xuất tuyệt vời của Williams.
Robin Williams (trái) và Nathan Lane trong The Birdcage
Ông lại thể hiện điều này trong The Birdcage. Tính hài của bộ phim được mở rộng – một cặp đôi đồng tính gồm một người đàn ông chuyên mặc đồ phụ nữ - buộc phải đóng kịch khi cha mẹ rất bảo thủ của con rể tương lai đến thăm – nhưng Williams một lần nữa đưa ra một màn diễn xuất cảm động trong vai người bạn đời “nam tính” hơn của Albert do Lane đóng.
Có nhiều yếu tố khiến chúng ta có thể biến Lane thành kẻ để chế nhạo, nhưng Williams thể hiện rõ qua diễn xuất rằng giữa những tràng cười kia, Armand yêu Albert nhiều thế nào, và với Lane, họ thể hiện tình yêu sâu đậm của cặp đôi này.
Gần đây, Williams vào vai một người đàn ông lớn tuổi phải đối mặt với sự đồng tính của mình trong phim Boulevard, công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Tribeca năm nay. Variety nhận xét “đây là một trong những nhân vật tốt nhất Williams từng đóng, khiến những nỗi đau tự tạo của ông – hậu quả của việc không muốn làm tổn thương ai cả, nhất là vợ ông – trở nên càng bị kịch hơn.”
Bản thân Williams ủng hộ quyền lợi LGBT – trước khi việc này trở thành xu hướng “mốt” – và trả lời những lời đồn đại rằng bản thân ông là người đồng tính không phải với những cái xoắn tay hay bực mình, mà chỉ ra một cách hài hước sự hâm mộ phụ nữ của mình. Năm 2004, ông trao giải thưởng đặc biệt tại lễ trao giải GLAAD (Tổ chức chống lại sự phỉ báng người đồng tính) cho nguyên thị trưởng San Francisco Gavin Newsom, người đã có nỗ lực cấp giấy đăng ký kết hôn cho người đồng tính. Về căn bản Williams luôn mở rộng vòng tay với những người giới tính khác.
Điều đáng kinh ngạc nhất về Williams là ông trở thành người ủng hộ cộng đồng LGBT với một sức hút, sự quyến rũ của riêng mình, khi họ cần ông nhất. Ông ủng hộ họ một cách tự nhiên, không phải vì phải thể hiện, không phải vì ông có thể hưởng lợi gì từ sự ủng hộ đó, nhưng vì đó chính là ông, và điều ông tin. Ông làm tất cả vào một thời điểm khi ít diễn viên Hollywood công khai làm vậy.
Robin Williams (phải) trong phim Boulevard
Những lời cuối cùng của ông trong Mrs. Doubtfire là tuyệt vời nhất. Sau lời nói về những loại gia đình, bà Doubtfire trấn an Katie. Những lời của bà chứng minh tại sao Williams là người ủng hộ tuyệt vời tới vậy. Sau đây là những lời nói của bà, với tính nhân văn chân thật, vượt qua chính trị. “Ta gửi cháu tất cả tình cảm của ta, cháu yêu,” bà Doubtfire nói với Katie. “Cháu sẽ ổn thôi. Chào cháu.” Chúng ta hy vọng sự bình thản này sẽ một ngày trở thành hiện thực cho cộng đồng LGBT.
TRAILER :