IMDb : 7.8/10
KHI ĐIỆN ẢNH HỘI HỌA VĂN HỌC KẾT LẠI THÀNH MỘT TÁC PHẨM..!!
Jacques Rivette là một đạo diễn sinh năm 1928, ông trở thành một trong những thành viên nổi bật nhất của Làn sóng mới (Nouvelle Vague), đồng thời là một trụ cột của tờ tạp chí Les Cahiers du cinéma bên cạnh Éric Rohmer, Jean-Luc Godard, François Truffaut và Claude Chabrol, thậm chí có một quãng thời gian làm tổng biên tập tờ tạp chí. Sau khi thôi chức vụ tổng biên tập, Rivette tập trung làm phim và có những bộ phim lớn như L’Amour fou (1968), Céline et Julie vont en bateau (1974) và nhất là La Belle Noiseuse (1991).
Poster phim “La Belle Noiseuse”
Cũng như Truffaut, tác phẩm điện ảnh của Rivette luôn luôn đậm đặc chất văn chương. Phim Céline… để tưởng nhớ Jean Cocteau và Lewis Carrol, còn bộ phim làm năm 1965 mang tên La Religieuse (bị cấm chiếu trong vòng hơn một năm vì các vấn đề đạo đức) chính là chuyển thể cuốn sách Nữ tu sĩ của nhà văn thời kỳ Ánh sáng Denis Diderot. La Belle Noiseuse (có thể hiểu là “cô gái xinh đẹp thích gây rối”) lại là một cách tiếp cận văn chương bằng điện ảnh hết sức đặc biệt, lần này là “loosely based on” (dựa trên một cách không chặt chẽ) một tác phẩm văn học – cách thức này trong lịch sử điện ảnh đã có một số bậc thầy, ví dụ như Stanley Kubrick vĩ đại.
Tác phẩm ở đây là truyện (récit) mang tên Kiệt tác không người biết (Le Chef-d’oeuvre inconnu) của Balzac, thuộc bộ Tấn trò đời. Họa sĩ Việt Nam có thể đọc bản dịch tuyệt vời của dịch giả Lê Hồng Sâm cuốn truyện khá ngắn này ở tập 15 trong bộ Tấn trò đời gồm 16 tập, NXB Thế giới, 2001, tr. 328-363. Đây là nơi Balzac suy tư về bản chất của người nghệ sĩ và công việc sáng tạo của anh ta.
Piccoli (Frenhofer) vẽ ký họa người mẫu Marianne
Loại trừ đi yếu tố huyền ảo rất nổi bật của tác phẩm văn học, Jacques Rivette đã làm nên một bộ phim xuất chúng về hành động vẽ của họa sĩ và mối quan hệ họa sĩ-người mẫu đầy phức tạp: với Michel Piccoli khi ấy đã già đóng vai họa sĩ Édouard Frenhofer kỳ bí và Emmanuelle Béart còn rất trẻ đóng vai Marianne, người mẫu thoạt tiên bất đắc dĩ rồi dần dà trở nên đầy chủ động, bộ phim ngay lập tức tạo ra một mối căng thẳng mơ hồ điển hình giữa các cặp diễn viên chênh lệch về tuổi tác.
Ngoài ra còn có vai trò hết sức quan trọng của Jane Birkin đóng Liz, vợ của Frenhofer. Tất nhiên tài năng của đạo diễn là điều không thể không nhắc tới, nhưng tài năng của diễn viên cũng là điều tiên quyết để có được một bộ phim như La Belle Noiseuse: Michel Piccoli từng đóng phim cho Luis Buñuel và Jane Birkin, ngoài nghề ca sĩ rất nổi tiếng bên cạnh ông chồng Serge Gainsbourg còn từng vào vai trong phim của Bertrand Tavernier; xem bộ phim này, người ta hiểu tại sao Emmanuelle Béart sẽ còn tiến xa đến vậy trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
Frenhofer chỉ đạo Marianne làm mẫu
Không gian phim thu hẹp dần, từ một vùng đồng quê nước Pháp không có gì nổi bật, rồi đi vào trong một tòa lâu đài cổ đã có phần đổ nát, sau đó gần như chỉ còn diễn ra trong một xưởng vẽ của họa sĩ chật chội và câm lặng, nhiều trường đoạn dài chỉ nghe tiếng bút vẽ, tiếng thở và tiếng động gây ra khi người mẫu thay đổi tư thế. Từ bốn nhân vật ban đầu (cặp vợ chồng Frenhofer và cặp tình nhân Marianne-Nicolas), chỉ còn lại người mẫu đối diện với họa sĩ qua khung vải.
Bức ảnh huyền thoại chụp Emmanuelle Béart, từng lên bìa tạp chí Elle.
Một bộ phim đặc biệt đáng xem đối với giới họa sĩ, tuy nhiên cũng cần lưu ý: trước khi xem nên chuẩn bị kỹ về tinh thần, không chỉ bởi vì sẽ phải đối diện với cơ thể trần trụi tuyệt mỹ của Emmanuelle Béart trong một khoảng thời gian rất dài, mà vì bộ phim có dung lượng tới gần bốn tiếng. Làm những bộ phim dài, đó chính là sở trường và dấu ấn của Jacques Rivette: phim L’Amour fou năm 1968 cũng dài bốn tiếng, còn phiên bản đầu tiên năm 1971 của Out 1 là… 13 tiếng. Rivette đích thực là một tác giả của “trường thiên điện ảnh”.