IMDb : 8.1/10
The Deer Hunter : Một Phát Súng, Một Cuộc Săn, Một Cuộc Đời
Sau khi bản nhạc Cavatina của Stanley Myer kết thúc, tôi đã không thể kiềm chế được lòng mình những suy nghĩ đầy dằn vặt về những gì mà chiến tranh để lại trong bộ phim The Deer Hunter của Michael Cimino, đây là một bộ phim xuất sắc nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi vào thời điểm ra mắt, năm 1978, tức sau 3 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Bộ phim được truyền cảm hứng một phần từ tác phẩm nổi tiếng Đức – Three Comrades của cựu chiến binh của Thế chiến 1 – Erich Maria Remarque, tác giả của tiểu thuyết lừng danh Phía Tây không có gì lạ.
The Deer Hunter – Người săn nai, con người săn đuổi động vật yếu thế hơn mình, và đồng thời con người cũng bị chiến tranh săn đuổi theo cả một cuộc đời viên miễn. Bằng một phát súng, chiến tranh thay đổi cuộc đời của ba người bạn thân ở một thị trấn nhỏ Pennsylvania nước Mỹ. Họ là Mike (Robert de Niro), Nicky (Christopher Walken) và Steve (John Savage)
Hãy nhìn xem những gì mà chiến tranh để lại
The Deer Hunter bắt đầu bằng một đám cưới và kết thúc bằng một đám ma, một hành trình được – mất trong mỗi đời người. Lấy đề tài nói về chiến tranh Việt Nam và trong thời điểm khi cuộc chiến gần kết thúc, bộ phim đã không ngừng đặt ra sự truy vấn trong tôi về những gì chiến tranh để lại. The Deer Hunter chính xác không phải là một bộ phim mô tả chiến tranh hay nói về cách mà con người ta sinh tồn trong chiến tranh như thế nào, mà chính là cách con người ta gượng dậy và đối diện với cuộc sống sau chiến tranh. Mike, Nick và Steve chính là ba hình mẫu đại diện cho ba hoàn cảnh nổi bật của các cựu quân nhân Mỹ tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, cuộc đời họ rẽ theo những hướng khác nhau, có người bị thương nặng và tật nguyền, có người không thể đối diện với hiện thực, có người đã mất đi toàn bộ sự sống và trở nên vô hồn, tuyệt vọng trên con đường hồi hương. Trước khi ra đi, họ là những nam thanh niên mạnh mẽ, đã làm quen với súng từ rất lâu và những cuộc săn bắt. Lòng yêu nước đã thôi thúc họ ra đi để phục vụ cho quê hương, nhưng cả ba đều không thể ngờ đó là một cạm bẫy chết người mà chiến tranh mang lại. Với chiến tranh, dù ở bên phe nào thì những người tham chiến đều lần lượt hoán đổi cho nhau vị trí của những con nai đáng thương, tội nghiệp. Chỉ có chiến tranh mới là gã thợ săn máu lạnh bất biến.
Một trong những cảnh xuất thần của Robert de Niro trong vai Mike, khi anh đang rơi vào tình thế hiểm nghèo, bị ép phải chơi trò roulette Nga với bạn mình
Mike là một người thợ săn nai thực thụ với tài bắn súng điêu luyện, chỉ cần một phát súng là có thể hạ gục con mồi. Chỉ cần một phát súng – mọi thứ đều được giải quyết. Chính khẩu súng hay hình ảnh “one shot” trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong mỗi khung hình, nó là phát súng đầu tiên phát động chiến tranh, cuộc xâm lược của người Mỹ vào Việt Nam, đó là phát súng khi Mike nhắm thẳng vào con nai trong những chuyến săn của anh và nhóm bạn, đó là phát súng của trò roulette Nga (một trò cá cược đầy may rủi của những kẻ điên loạn trong cuộc chiến, trong đó người chơi cầm khẩu súng ngắn nhét một viên đạn duy nhất vào ổ quay, dùng tay xoay ổ quay rồi dí vào thái dương bấm cò, trò chơi sẽ được xoay vòng giữa hai người, kẻ nào may mắn sống sót cho đến cuối sẽ được lấy hết số tiền cá cược). Trong phim, điều tôi ám ảnh nhất chính là phân cảnh Mike, Nick và Steve lần lượt đối đầu nhau trong cái trò roulette Nga sau khi bị lính Việt bắt. Cảm giác như cái xà lim đó chính là một lò sát sinh kinh hoàng, xung quanh là sông núi, xung quanh đồng không hiu quạnh, chuột thối, xác người, các bẫy tre… Chúng khiến cho con người ta bị hủy hoại thể xác lẫn linh hồn, nó khiến cho con người ta phải chứng kiến và buộc phải nhớ một ký ức ghê rợn rùng mình. Dù có thể trở về quê nhà theo những cách khác nhau, thì không ai được toàn vẹn sống với phần linh hồn trước đây của mình, Pennsylvania hay Việt Nam, họ đều không còn thuộc về bất kỳ nơi nào nữa.
Chiến tranh đã để lại những gì cho con người, cho Mike, cho Steve và cho Nick? Không gì cả, ngoài sự mất mát. Người xem sẽ khó lòng quên được phân cảnh khi Nick lấy ra từ ví tấm ảnh của Linda (Meryl Streep) tại nhà thương của Sài Gòn, ngồi trên bậc thềm, anh nhìn cô đờ dẫn và khóc lớn như một đứa trẻ. Đó chính là lúc Nick đã chết tại chiến trường Việt Nam, nơi mà cách đây chưa lâu anh còn hào hứng nhắc đến với Mike trong một chuyến đi săn: Ở đó có rất nhiều cây, anh thích chúng, anh thích những cái cây trên núi, trông chúng rất khác nhau… Niềm hăm hở đã dẫn anh đến với địa ngục của sự sống. Cho đến lúc cuối, trước khi phát súng của trò rouletta Nga nhanh gọn tước đoạt sự sống của anh, ánh mắt của Nick vẫn vô cùng ráo hoảnh và vô hồn khi đối diện với Mike. Sự xuất sắc của Christopher Walken đã giúp ông sở hữu giải Nam phụ xuất sắc nhất của Oscar năm 1979, bên cạnh 4 giải thưởng khác của Oscar dành cho The Deer Hunter vào năm đó.
Lần cuối khi Mike nhìn thấy bạn mình, Nick, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh
Chiến tranh cũng chỉ để lại những cuộc tìm kiếm. Ban đầu, Mike, Nick và Steve tìm kiếm lý tưởng yêu nước của mình bằng việc tham chiến, họ cũng không lường trước được đó là cuộc xâm lăng phi nghĩa. Nó giống như là một cuộc tìm kiếm con mồi trong chuyến đi săn, cứ tìm, theo sát và hạ gục. Đó là cuộc tìm kiếm con đường trở về nhà. “Home, go home”, Mike liên tục động viên Nick và Steve mạnh mẽ và can đảm lên, con đường trở về nhà đang chờ họ phía trước. Ở Việt Nam, sau khi lạc nhau, Nick ban đầu đã tìm kiếm Mike trong một sòng bạc chơi roulette Nga, và sau khi trở về Pennsylvania, Mike đã quay ngược lại Việt Nam để tìm kiếm Nick. Trong khi phía bên ngoài đang náo loạn, từng đoàn người tìm cách tháo chạy khỏi đám lửa, chém giết, có người thì sợ hãi tìm chỗ trú, có người thì hối hả tìm người thân. Nhưng sau cánh cửa của sòng roulette kia, những người ở đó họ chẳng còn thiết gì về ngày mai, họ đi tìm cái chết nhanh chóng và mang tính hồi hộp một chút, nếu lượt này phát súng chưa có đạn, thì lượt sau sẽ có, hoặc lượt sau nữa… Người ta tìm trong cái ngôi nhà ẩm thấp và u ám đó những bóng ma mà chiến tranh đã tạo ra cùng với “một phát súng”.
Chiến tranh khiến Mike không thể nào tìm thấy được bạn mình nữa, họ lạc mất nhau và cũng để lạc mất chính mình.
Sau một cuộc săn, người ta chỉ mang về một con nai đã chết
Chỉ có những đầu nai hoặc xác nai đã chết. Cũng giống như Mike hay Steve, khi họ trở về quê nhà, phần nào đó đã chết trong họ. Mike đã không còn có thể bóp cò khi nhắm trúng mục tiêu nữa, anh hiểu rằng trò roulette Nga nó lấy đi của anh những gì. Và do đó, từ một thợ săn điệu nghệ, sau khi trải qua một cuộc chiến tàn khốc khi chính bản thân anh cũng là một con nai, anh đã thay đổi suy nghĩ và không còn muốn nhìn thấy bất kỳ ai đùa giỡn với khẩu súng nữa, nhất là Stan (John Cazale).
Trong những phân cảnh đầu tiên, khi mọi người tưng bừng nhảy múa mừng đám cưới của Steve và Agela tại Legion Hall, đạo diễn Cimino đã cố tình đưa góc máy mở rộng để nhìn thấy những mái vòm màu xanh đặc trưng của nền kiến trúc Nga. Roultte đã tồn tại đâu đó, và cuộc chiến tranh mà Mỹ khích lệ sự ra đi của những thanh niên yêu nước như Mike hay Nick cũng là một trò roulette như thế.
Mike là một tay súng điệu nghệ và chưa bao giờ thất bại trong các cuộc săn nai
Tình yêu và tình bạn trong The Deer Hunter
Bao trùm trong cả bộ phim, tình bạn được khắc họa khá rõ và sâu sắc để thể hiện tính gắn bó giữa Mike, Nick, Steve cùng những người bạn còn lại trong nhóm đi săn, như John, Axel, Stan. Họ làm việc cùng nhau, đi săn cùng nhau, cùng uống bia, cùng hát Can’t take my eyes off you với sự phối hợp hết sức nhịp nhàng. Tình bạn của họ là những năm tháng cùng trải qua thời trai trẻ ở quê nhà, và những năm tháng chờ đợi bạn trở về từ chiến trường. Tôi không sao quên được cảnh kết của bộ phim, khi mọi người đưa linh cửu của Nick về quê hương và hát God bless America, đôi mắt ai cũng hoen ước, sầu thảm và cố gắng chấp nhận nỗi mất mát quá lớn này, Axel là người đàn ông duy nhất không thể che dấu được những giọt nước mắt, anh đã òa khóc nức nở trong bếp. Những người bạn, họ đón Nick trở về nhà và tiễn bạn lên thiên đường, đến với Chúa trời. Họ đã cố gắng an ủi nhau, một cách nào đó, chiến tranh đã khiến cho họ nhận ra rằng, cái chết nên được chấp nhận như thể: “hôm nay quả là một ngày u ám” mà Agela đã lên tiếng sau khi mọi người đều trầm ngâm lặng thinh.
Tình yêu chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong The Deer Hunter, nhưng nhờ nó mà bức tranh về con người mới được hoàn thiện, đặc biệt là Mike. Mike yêu thầm Linda, bạn gái của Nick. Nhưng anh không thể nói điều này với bất kỳ ai. Anh cũng như Nick, cũng có ảnh của Linda trong ví của mình, nhưng bằng một cách âm thầm hơn. Cho đến khi trở về, Mike vẫn còn rất yêu Linda, nhưng anh chỉ muốn ngắm cô từ xa như ngày xưa. Đó là sự mạnh mẽ của người đàn ông khi đối diện với tình yêu của người bạn thân duy nhất. Âm thầm lặng lẽ ngắm nhìn Linda từ xa là điều duy nhất mà Mike có thể làm được. Tôi vô cùng thích Robert de Niro trong những lần như thế, ánh mắt của ông trìu mến ấm áp nhìn Linda từ một góc phòng hoặc từ phía bên kia đường. Mike chọn cách làm người bạn đồng hành với Linda trong suốt quãng đời còn lại, dù cho Linda đã có lần bộc phát muốn anh ngủ với mình một đêm để có thể xoa dịu tâm hồn của nhau. Tình yêu âm thầm lặng lẽ của Mike là thứ duy nhất có thể đi xuyên qua cuộc chiến và trở về với nguyên vẹn con người trong anh.
Phân đoạn khi Mike trở về quê hương nhưng chưa thể đối diện với Linda, bạn bè và người quen trong thị trấn, anh một mình tìm một căn phòng tạm để trốn tránh và giam mình trong đó. Mike đã khóc, bờ vai anh run lên. Bao nhiêu năm chiến đấu ở Việt Nam, trở thành một con nai đáng thương và cô độc, anh bơ vơ trong căn phòng và run sợ trước những gì diễn ra ở phía bên kia thế giới. Mike chính là vai diễn xuất sắc của Robert de Niro, ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “huyền thoại” mà thế giới dành cho mình. Những khổ cực lam lũ, tự đóng các cảnh tra tấn, hay thậm chí là việc yêu cầu gắn đạn thật của 1 phân cảnh có trò roulette Nga, để có được cảm xúc sợ hãi và căng thẳng thực sự, đã chứng minh cho một tài năng điện ảnh hết lòng với nghề và tận tâm với vai diễn. Đó là lý do vì sao Robert de Niro chưa có một vai nào thất bại. Cả Christopher Walken và John Savage cũng vô cùng xuất sắc khi thể hiện tâm trí hoảng sợ, bất an và loạn trí trong trường đoạn nghẹt thở này.
Một mùa Oscar gây tranh cãi
The Deer Hunter dù được xướng tên một cách ngoạn ngục ở Oscar 1979 tại 5 hạng mục lớn: Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam diễn viên phụ, Dựng phim và Âm thanh, nhưng lại gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội. Cũng vào năm đó, một bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam là Coming Home (1978) cũng đã chiến thắng 3 giải Oscar quan trọng: Nam chính, Nữ chính và Kịch bản hay nhất.
Có thể nói, sau 3 năm chiến tranh Việt Nam, các nhà làm phim Hollywood đã bắt đầu có được một đề tài quan trọng, sau một đề tài nặng cân khác là Thế chiến thứ 2 – Chế độ quốc xã. The Deer Hunter chính là một thử thách lớn của Cimino khi ông đã đưa những chi tiết được cho là hư cấu trong cuộc chiến này. Trong phim, có một phân đoạn chuyển cảnh khá đột ngột mà tôi cứ ngỡ là bị cắt, đó là khi Mike rải đạn ở các cánh đồng xong, và sau đó ngay lập tức anh và những người lính Mỹ khác bị bắt và tra tấn bởi lính Việt. Một góc nhìn được cho là một cách phiến diện và tôn vinh thái quá tinh thần Mỹ. Ngay cả Jane Fonda (Giải Oscar Nữ diễn viên chính của năm 1979) cũng cật lực phản đối sự thành công quá sức tưởng tượng của Oscar tại nhà hát Kodak năm đấy. Cuộc tranh cãi này kéo dài đến mức đã có không ít quốc gia đã phản đối xem The Deer Hunter.
Nhưng điều gì đã khiến cho The Deer Hunter lọt vào top 100 phim hay nhất mọi thời đại của Viện phim Mỹ (AFI’s 100 Years…100 Movies)? Tôi nghĩ đó chính là một câu chuyện về những nỗi mất mát mà chiến tranh lấy đi, và dư chấn trong tâm hồn mà chiến tranh để lại. The Deer Hunter là một vết sẹo mà dưới góc độ của bất kỳ người xem nào, chiến tranh nợ loài người một lời xin lỗi. Dù ở phe chiến thắng hay phe chiến bại, dù ở phe gây chiến hay phản chiến, họ đều là những con mồi luôn bị săn đuổi bởi chiến tranh.
Một điểm đặc biệt khác chính là ở phần âm nhạc. Những bản nhạc vui tươi trước khi nhóm bạn Mike tham chiến, trong cảnh đám cưới và khiêu vũ, ca khúc Can’t take my eyes off you được thể hiện tự do đúng chất cao bồi, hay bản nhạc buồn sau những chuyến săn nai kết thúc, trong ánh chiều tà, một cảm giác cô đơn và trống rỗng, bản Cavatina như có sức lay động mọi hình ảnh của quá khứ trỗi dậy và ru êm những con quỷ trong chúng ta… Âm nhạc và những khung cảnh hùng vĩ của núi đồi, chiến trường tàn khốc ở Việt Nam, khung cảnh bình yên của làng quê đã cộng hưởng để khiến cho The Deer Hunter trở nên trọn vẹn hơn.
Những người trẻ đầy niềm tin và yêu nước, trước khi họ biết chuyện gì đang chờ phía trước
Những gì có thể nói về The Deer Hunter của đạo diễn Michael Cimino chắc hẳn sẽ dài hơn gấp nhiều lần so với một bài viết cảm nhận còn nhiều thiếu sót này. Ví như có thể diễn tả tâm trạng và cảm xúc rối bời này bằng câu chữ, thì có thể sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều với những ai đã xem bộ phim này.