The Untouchables là một bộ phim kinh điển về Gangster và thê giới ngầm
Chicago, những năm 1920 – 1930 là thủ đô tội phạm của nước Mỹ. Đứng đầu thế giới ngầm tội ác này là Al Capone - kẻ thù số một của nước Mỹ thời đó. Oái oăm thay, chính phủ gần như bó tay chẳng làm được gì hắn bởi Al Capone đã vươn vòi bạch tuộc mua chuộc được gần như tất cả các bộ máy chính quyền. Có thể nói Al Capone mới thật sự là kẻ nắm quyền sinh sát ở Chicago lúc ấy. Bao nhiêu tội ác đã diễn ra, ai cũng biết chủ mưu đứng phía sau là Al Capone, nhưng hắn vẫn bình an vô sự bởi không đủ bằng chứng … Al Capone là “Kẻ bất khả xâm phạm” trong thế giới ngầm của nước Mỹ lúc ấy.
Nhưng “Kẻ bất khả xâm phạm” Al Capone rồi cũng đến ngày phải đối đầu với “Những kẻ bất khả xâm phạm” khác. Đó là biệt danh của một nhóm cảnh sát do Chính phủ liên bang thành lập và đích thân tuyển chọn. Họ là những thanh tra cảnh sát thiện nghệ, thông minh và dũng cảm. Nhưng quan trọng hơn hết, biệt danh “Những kẻ bất khả xâm phạm” (The Untouchables) do chính họ đặt ra với ý nghĩa vô cùng quan trọng: Không gì có thể khuất phục, không gì có thể mua chuộc được, dù với bất cứ giá nào! Đứng đầu nhóm “Những kẻ bất khả xâm phạm” là vị thanh tra huyền thoại Eliot Ness - một người Chicago chính hiệu. Chính Eliot Ness và nhóm của mình với nỗ lực không mệt mỏi, với cái giá phải trả bằng máu, đã đưa được “Kẻ bất khả xâm phạm” Al Capone ra trước vành móng ngựa.
“Những kẻ bất khả xâm phạm” lên màn ảnh
Những chiến công của Eliot Ness và nhóm “Những kẻ bất khả xâm phạm” đã được ghi lại trong The Untouchables dựa theo hồi ức của chính Eliot Ness và đồng đội Oscar Fraley, sách ấn hành năm 1957, vài tháng sau khi Eliot Ness qua đời ở tuổi 54.
Hãng Paramount đã mua độc quyền khai thác quyển hồi ức tự thuật này. Năm 1959, series phim The Untouchables ra mắt trên kênh truyền hình ABC, và ăn khách suốt 4 năm với 118 tập. Đến giữa thập niên 1980, hãng Paramount quyết định đưa The Untouchables lên màn ảnh rộng.
Nhà sản xuất Art Linson chưa bao giờ hâm mộ bộ phim truyền hình The Untouchables, nhưng ông thích câu chuyện về cuộc đối đầu giữa Al Capone, Eliot Ness, và giới giang hồ ở Chicago. Nhà biên kịch lý tưởng cho phim này là David Mamet - người đã từng đoạt giải Pulitzer và đề cử Oscar kịch bản (phim The Verdict). David Mamet ngày xưa chỉ mới xem 1 tập phim truyền hình The Untouchables, nên ông đề nghị tự hình dung lại các nhân vật huyền thoại này theo cách của mình.
Trước khi kịch bản hoàn tất, nhà sản xuất Art Linson nhắm đến việc ai sẽ là Eliot Ness. Trước đó Linson có xem phim bộ phim cao bồi Silverado (1985) và đã chú ý đến Kevin Costner - một diễn viên trẻ chưa có tên tuổi - nhưng có gương mặt mà ông nghĩ sẽ phù hợp với nhân vật Eliot Ness. Art Linson gặp Kevin và người đại diện, nhưng lúc ấy Kevin có vẻ không hứng thú với vai diễn này lắm. Các ngôi sao đương thời lúc ấy như Michael Douglas, Don Johnson, William Hurt và đặc biệt là Mel Gibson rất quan tâm đến vai này, nhưng sau đó đều từ chối do không thu xếp được thời gian… Đến lúc này kịch bản hoàn tất, hãng Paramount chọn đạo diễn phim là Brian De Palma - từng rất thành công với bộ phim gangster cực kỳ bạo lực Scarface.
Casting giờ chót!
Vai Eliot Ness là mối bận tâm hàng đầu của De Palma. Ông và các cộng sự cân nhắc các nam diễn viên hàng đầu thời đó. Jack Nicholson, Tom Berenger, Nick Nolte, Jeff Bridges và Harrison Ford đã được mời, nhưng đều từ chối. Hãng phim bảo De Palma có thể tuyển bất kỳ diễn viên nào! “Có nghĩa là phim này không cần có diễn viên ngôi sao ư?”, đến lúc đó, De Palma mới biết Art Linson và hãng Paramount hầu như chắc chắn chọn Kevin Costner.
De Palma hơi sốc, vì đối với ông Kevin Costner hoàn toàn là một cái tên vô danh, không phù hợp với một bộ phim gangster đầy chất anh hùng ca. Nhưng Art Linson vẫn rất kiên quyết với sự lựa chọn của mình, nên De Palma phải miễn cưỡng xem lại tất cả những phim Kevin đóng, nói chuyện với tất cả các đạo diễn đã từng hợp tác với anh, và tất cả họ đều bảo: “Anh chàng này diễn rất tốt. Nếu gặp đúng vai anh ta sẽ nổi tiếng!”. De Palma tin vào lời khuyên của các đồng nghiệp đáng kính, và quyết định liều thử một phen…
Câu nói của hãng phim: “Anh không cần tuyển ngôi sao cho bộ phim này!”, đã ám ảnh De Palma trong suốt giai đoạn casting. Ngay từ đầu, ông đã rất mong được chọn Robert De Niro - một ngôi sao gangster đầy sức nặng cho vai Al Capone. Nhưng hãng phim chỉ muốn chọn Bob Hoskins vào vai này, do ngoại hình thấp đậm giống như Al Capone ngoài đời. Nhưng lý do chính đây là vai phụ, họ không thể trả tiền nhiều để mời một ngôi sao như De Niro! Để chiều ý De Palma, nhà sản xuất Art Linson cũng đồng ý để ông mời De Niro. Sau nhiều tuần lễ gặp gỡ và nói về vai diễn, De Niro đồng ý nhận lời và sẽ thu xếp lịch trình dày đặc của mình để tham gia, nhưng đổi lại De Niro lại đòi giá cao ngất cho 2 tuần quay phim! Hãng phim bị sốc và quyết định sẽ mời Bob Hoskins.
Trong cuộc họp cuối cùng quyết định vấn đề kinh phí, De Palma nói thẳng rằng ông chưa sẵn sàng làm việc với Bob Hoskins. Ông rất cần một ngôi sao tầm cỡ như De Niro cho vai Al Capone. “Đắt xắt ra miếng”, nếu chỉ vì không nâng thêm được ít tiền để có được De Niro, ông cũng xin rút... Sau một hồi cân nhắc, giám đốc điều hành hãng Paramount Ned Tanen chấp nhận ngồi lại thương lượng với người đại diện… và Robert De Niro chuẩn bị một quá trình lột xác thành Al Capone!
Những khoảnh khắc bất hủ
Ý định ban đầu của các nhà làm phim là muốn quay một bộ phim đen trắng, để phù hợp với câu chuyện và bối cảnh của những năm 1930, nhưng hãng phim không đồng ý.
Tất cả những chi tiết từ đạo cụ, quần áo, chất liệu vải, mũ nón , xe cộ, vũ khí… đều phải được chăm chút kỹ để tạo ra không khí của thập niên 1930. Đặc biệt, ông vua thời trang hàng đầu thế giới Giorgio Armani đã được mời thiết kế hầu hết các bộ trang phục của nam giới cho phim này (trừ vai diễn của Sean Connery do ông tự chọn).
Khó khăn nhất là bối cảnh và đường phố ở Chicago, vì ngày xưa không có nhiều người đi trên phố đông đúc như bây giờ. Các toàn nhà chọc trời ngày xưa vẫn còn, nhưng giờ lại bị xen lẫn với những tòa nhà hiện đại khác… khiến cho việc quay phim hết sức khó khăn.
Cảnh đáng nhớ nhất của The Untouchables là cảnh đấu súng ở gần cuối phim. Kịch bản ban đầu quy định đó là một cuộc rượt đuổi bắn giết dữ dội trên đường phố và trên xe lửa. Nhưng việc tìm ra xe lửa của thời kỳ đó rồi phá hủy chúng là điều không thể hoặc rất tốn kém.
Đạo diễn Brian De Palma đã nảy ra ý tưởng lấy cảm hứng từ trường đoạn bất hủ “Bậc thang Odessa” trong bộ phim Liên Xô kinh điển Chiến hạm Potemkin (1925) của Sergei Eisenstein. Ông tìm được một nhà ga liên bang ở Chicago có bậc thang bằng đá nhiều tầng rất đẹp để quay trường đoạn này.
Do ban ngày lượng hành khách rất cao, nên nhà ga không cho phép quay cảnh bắn súng vì sợ họ bị ảnh hưởng. Đoàn phim phải quay ban đêm, nhưng vẫn bố trí ánh sáng giả ban ngày. Để tưởng nhớ đến bộ phim kinh điển, trong số những hành khách bị kẹt giữa 2 làn đạn, De Palma đã cho thêm một người lính thủy thủ, và đặc biệt nhất là vẫn có chiếc xe nôi! Đứa bé tượng trưng cho sự thanh khiết ngây thơ… nằm trong chiếc xe nôi lăn bần bật xuống cầu thang ở trung tâm của cuộc đấu súng khủng khiếp giữa chánh và tà! Âm thanh trong đoạn này được cách điệu hóa để loại bỏ âm thanh thật, rất ấn tượng.
Với kinh phí sản xuất 20 triệu USD, bộ phim thu về 76,3 triệu USD chỉ riêng ở Bắc Mỹ. Theo nhà sản xuất Art Linson, 50% khán giả của bộ phim này là… phụ nữ! Nên dễ hiểu sau The Untouchables, Kevin Costner ngay lập tức trở thành một ngôi sao hạng nhất. Năm 1987, bộ phim được đề cử 4 giải Oscar, và cựu “James Bond” Sean Connery đã đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
TRAILER