"The Grand Budapest Hotel": Thế giới cũ trong đôi mắt mới
Wes Anderson là đạo diễn có một không hai. Giữa bầu không khí điện ảnh trong đó sắc thái u tối và cái nhìn hoài nghi có vẻ đang chiếm lĩnh màn ảnh, những thước phim rực rỡ sắc màu cùng những nhân vật nghịch ngợm của Wes Anderson rõ ràng là một tiếng nói độc đáo.
Nhãn quan bay bổng phần nào giữ mãi tinh thần lãng mạn thơ trẻ và óc hài hước tinh quái rất nhất quán của Wes Anderson giúp anh thu thập được lượng người hâm mộ đông đảo. Mỗi bộ phim của anh luôn khuấy đảo cộng đồng hâm mộ ngay từ bước khởi sự và “The Grand Budapest Hotel” cũng không là ngoại lệ. Gây xôn xao với tạo hình 16 nhân vật đặc sắc, tiếp nối bằng trailer rực rỡ mang dấu ấn Wes Anderson không thể trộn lẫn, “The Grand Budapest Hotel” đã được chọn làm phim khai mạc cho liên hoan phim Berlin 2014 và giành giải thưởng lớn của Ban giám khảo. Bộ phim sẽ không làm fan hâm mộ phong cách Wes Anderson thất vọng bởi nó vẫn thể hiện tay nghề vững chắc như trong “Moon-rise Kingdom” hai năm trước với một câu chuyện dày dặn và nhiều tầng lớp hơn.
Câu chuyện của “The Grand Budapest Hotel” vui tươi sặc sỡ trên màn ảnh là thế nhưng lại giấu trong mình nhiều liên tưởng đến những trang sử u tối của châu Âu. Khơi nguồn cảm hứng cho phim là những trang viết của nhà văn Stefan Zweig, đặc biệt là hồi ký “Thế giới của ngày hôm qua”. Trong lời đề tựa hồi ký này, Stefan Zweig viết với một vẻ buồn bã và chua chát: “Cảm giác của tôi là thế giới nơi tôi lớn lên, thế giới ngày nay và khoảng giữa hai nơi đó, là những thế giới hoàn toàn riêng biệt...” Stefan Zweig, sinh trưởng tại Vienna rồi sống ở nhiều đô thành châu Âu trong những năm tháng hòa bình và no đủ, tả lại thế giới ấy như một không gian văn minh bậc nhất, yêu chuộng tri thức, tràn trề tinh thần sáng tạo, rộng lòng nuôi dưỡng tinh hoa. Nhưng Zweig cũng là một người Do Thái và trong những năm đen tối của thế chiến thứ hai, để sống sót, ông buộc phải trốn chạy khỏi Áo, cắt đứt mọi mối liên hệ với nơi ông coi là quê hương. Từ Nam Mỹ nhìn về châu Âu đang chìm trong khói lửa hủy diệt và thanh trừng, ông viết: “Những chiếc cầu nối ngày hôm nay và hôm qua và những năm xưa của chúng tôi đã bị thiêu rụi cả rồi”.
Như hầu hết những bộ phim khác của Wes Anderson, bối cảnh hư cấu đầy chặt yếu tố ‘fantasy’ đóng vai trò chủ chốt. Nước Cộng hòa Zubrowka giả tưởng anh dựng nên như thể một vương quốc thần tiên pha trộn giữa Áo, Đức, Ba Lan và Cộng hòa Czech đầu thế kỷ trước trong đó khách sạn Grand Budapest thời hoàng kim hiện ra trước mắt chúng ta với toàn bộ vẻ hoa lệ và nhộn nhịp của một thời kỳ lịch sử sung túc. Về mặt tạo hình bối cảnh và nhân vật, từ toàn cảnh khách sạn như tranh cắt giấy, đồ đạc nội thất và trang phục nhân vật chói lọi các gam cơ bản luôn được tô điểm bằng những chi tiết tinh nghịch, thiết kế hình ảnh của Wes Anderson mang vẻ sặc sỡ vui nhộn như một nhà búp bê. Có vô số tình tiết hài hước nhờ vào tạo hình và đối thoại tinh quái cùng những tình huống dở khóc dở cười đặc trưng Wes Anderson. Qua nhiều thử nghiệm và tôi luyện, thuật dàn dựng đậm tính sân khấu của Wes Anderson như cấu trúc chương hồi, đối thoại lớp lang nhiều phúng dụ, diễn xuất phóng đại và ước lệ, bố cục hình ảnh cân xứng tuyệt đối... đã đạt đến độ hoàn hảo. Tất cả các phân cảnh của phim diễn tiến trơn tru không chệch một ly như bộ máy một chiếc đồng hồ quả lắc, nhịp phim đi vun vút như màn Gustav và Zero rượt đuổi sát thủ Jopling trên tuyết cho thấy nhãn quan biểu đạt cực kỳ nhất quán và khả năng kiểm soát cao độ của đạo diễn.
"The Grand Budapest Hotel" khoe một dàn diễn viên hùng hậu từ Harvey Keitel cho đến Leá Seydoux, Saoirse Ronan, nhiều người là cộng sự kỳ cựu với Wes Anderson, nhiều tên tuổi chỉ xuất hiện chớp nhoáng với vài câu thoại. Ở tâm điểm của phim cũng là một cựu binh và một tân binh: Ralph Fiennes vai Gustav và Tony Revolori vai Zero. Khán giả vốn đã quen với hình ảnh hiểm ác của Ralph Fiennes qua vai Voldermort trong loạt phim Harry Potter mười năm nay chắc chắn sẽ bất ngờ với diễn xuất hài hước nhẹ tênh của anh trong phim này. Vẻ bị động của Tony Revolori biến cậu bé Zero thành bao gạo chịu đấm, làm đối trọng với phong cách phô trương mà duyên dáng của nhân vật Gustav tạo thành bộ đôi gây cười hoàn hảo.
Và như thế, cuộc phiêu lưu rực rỡ sắc màu, đầy tiếng cười và sự phấn khích của Gustav và Zero đột ngột kết thúc bằng một nốt lặng. Dư âm của nó tuy vậy không hẳn là niềm tuyệt vọng. Sau nhiều mất mát, Zero vẫn luôn quay lại khách sạn Grand Budapest bởi đây là nơi ông và cô bé phụ bếp Agatha đã trải qua những ngày tươi đẹp của tình yêu đầu tiên. Và ngay cả khi khách sạn Grand Budapest đã đổ nát, khi lớp người xưa đã khuất, thế giới xưa đã hoàn toàn tan biến thì vẫn còn những trang sách như “The Grand Budapest Hotel” hay “Thế giới của ngày hôm qua”.
TRAILER