Sống cùng sói dữ để quay Wolf Totem
IMDB:6.7/10
Từ 19/2 đến thời điểm ngày 4/3, bộ phim điện ảnh Wolf Totem (2015) đã đạt doanh thu phòng vé lên đến 550 triệu NDT (188 tỉ đồng), trở thành một trong những phim thành công nhất điện ảnh Hoa ngữ trong dịp Tết 2015.
Tại cuộc họp báo diễn ra trước đó, đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud (71 tuổi) tiết lộ, hầu hết các cảnh quay sói trong phim đều có sự góp mặt của những con sói thật
Annaud cho biết ông tưởng như đã không thể làm Wolf Totem , sau khi nhà sản xuất Wang Weimin muốn từ bỏ bộ phim này. Nguyên nhân cũng chỉ bởi Wang không thể nào kiếm được những chú sói đã được thuần hóa.
Vô cùng khó khăn và nguy hiểm
Nhưng sau khi xem Wolf của Pháp, Wang đã rất ấn tượng với các cảnh trong phim. Ông cũng biết được rằng người huấn luyện thú trong phim là Andrew Simpson nên đã mời Simpson tham gia dự án. “Khi đạo diễn gọi điện, Simpson im lặng một lúc. Rồi anh nói: "Tôi đã đợi điện thoại của ông 3 năm rồi"” – Wang kể lại.
Đạo diễn Annaud, nổi tiếng với phim Người tình (L'amant - 1992), nắm rất rõ hoạt động sản xuất các phim có sự tham gia của động vật. Trong khi đó Simpson là một trong những người huấn luyện động vật nổi tiếng nhất, có thể thuần hóa được sói - loài nổi tiếng khó thuần hóa
Cả Simpson và Annaud đều đã đọc tiểu thuyết Totem Sói của nhà văn Khương Nhung (Trung Quốc) khi nó được phát hành hồi năm 2004. Họ đều muốn sách được đưa lên phim. Tuy nhiên, phải mất 3 năm để 2 con người có chung chí hướng này liên hệ được với nhau.
Khi Simpson tham gia đoàn làm phim, ông đã dành 4 năm để nuôi dạy 3 thế hệ sói sinh ra tại Bắc Kinh và Nội Mông. Trong thời gian đó, Annaud cảm thấy thích Wolf Totem hơn nên quyết định từ bỏ vai trò đạo diễn phim Cuộc đời của Pi (Life of Pi).
“Khi đọc tiểu thuyết, tôi nhận thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời, khuyến khích người ta nghĩ lại về các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên” - Annaud nói tại buổi họp báo.
Khi được hỏi tại sao lại quyết định làm phim từ khi mới đọc được 1/3 cuốn tiểu thuyết gốc, Annaud giải thích: “Tôi từng có trải nghiệm làm phim về gấu và hổ, những loài động vật với khả năng săn mồi rất tốt. Tôi từng làm phim Kẻ thù ngoài ngưỡng cửa (Enemy at the Gate), kể về những người bắn tỉa. Họ cũng là những kẻ đi săn mồi giỏi, giống như loài sói vậy. Vì thế, có thể nói tôi đã quen thuộc với thế giới của những kẻ săn mồi".
Ông cũng cho biết sản xuất phim này là thách thức lớn. "Cánh làm phim chúng tôi thích những tác phẩm tưởng như không thể thực hiện. Khi xem phim, các bạn sẽ hiểu tại sao làm một bộ phim như vậy không hề dễ dàng gì. Vô cùng nguy hiểm, khi 98% cảnh phim có liên quan tới một bầy sói thực thụ" - ông nói.
Annaud ca ngợi các nhà huấn luyện, cho biết họ đã rất nỗ lực để thuần hóa bầy sói vừa đủ, sao cho chúng không mất hẳn bản năng hoang dã. Được biết ê-kíp làm phim đã dựng các hàng rào kép để huấn luyện 35 chú sói thuộc 3 thế hệ.
Trong quá trình huấn luyện, bầy sói được làm quen với máy móc thiết bị quay khi di chuyển, tiếng ồn của người... Bởi "có những con sói khi nhìn thấy máy móc hay nghe thấy âm thanh liền chạy".
Sau khi đoàn phim đóng máy, 16 chú sói và một chú chó được đưa tới Canada sống cùng Andrew, ba chú chó khác được đưa tới Mỹ, số còn lại được gửi tới các vườn thú ở khắp Trung Quốc.
Theo tiết lộ của nhà sản xuất kỹ xảo điện ảnh của đoàn phim là Tiêu Tiến, đội ngũ nhân viên đạo cụ của đoàn phim gồm 30 người đã dồn sức trong 8 tháng để tạo nên hơn 30 con sói, hơn 40 con dê vàng và hàng chục ngựa giả để phục vụ kịch bản phim.
Theo đó, toàn bộ đạo cụ giả trên đều có kích thước 1:1 hết sức chân thực, được làm từ nguyên liệu nhập khẩu ở Mỹ. Kỳ công nhất là phần lông của bầy sói, vừa dài và dày nên đặc biệt tốn nhiều công sức của nhân viên đạo cụ.
Trong phân cảnh vua sói bị con người săn đuổi, sau khi chạy vài chục dặm và đối mặt với nam tài tử Phùng Thiệu Phong. Lúc này ánh mắt cùng vẻ mặt của vua sói được quay cận cảnh và đoàn phim phải sử dụng đạo cụ, sói giả còn được lồng bộ phận máy tĩnh điện, làm từng sợi lông đều ánh lên hết sức sinh động
Đạo diễn Annaud đã mất 10 năm để chuẩn bị và hoàn thành phim Totem Sói . Phim bắt đầu được bám máy hồi tháng 7/2012 với kinh phí 38 triệu USD.
Nhằm tăng thêm ấn tượng cho bộ phim này, nhà soạn nhạc huyền thoại James Horner (tác giả nhạc nền phim Trái tim dũng cảm (Braveheart), Titanic ) đã được mời biên soạn phần nhạc nền hết sức độc đáo cho phim. Ca sĩ rock Uông Phong đã thể hiện ca khúc chủ đề phim là Song Of Redemption
Sau buổi chiếu ra mắt, Wolf Totem đã nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình và khán giả. Nhà văn Khương Nhung vắng mặt tại buổi chiếu giới thiệu (như thường lệ, ông luôn từ chối xuất hiện tại các lễ trao giải hay các hoạt động công cộng), song ông đã viết một bức thư ca ngợi bộ phim.
“Xem phim, hình ảnh thảo nguyên mênh mông - nơi tôi từng sống thời tuổi trẻ, khiến tôi xúc động cứ như lúc gặp mối tình đầu của mình. Giờ tôi là một người đã gần 70 tuổi, nhưng “người tình” từ cách đây nửa thế kỷ của tôi vẫn giống như một cô gái trẻ mang vẻ đẹp nguyên sơ và đầy sức sống. Vẻ đẹp này cần được nuôi dưỡng. Đây là vẻ đẹp mà tôi đã toàn tâm gửi gắm tới công chúng” – Khương Nhung viết.
Wolf Totem có bối cảnh năm 1967, kể về một sinh viên tới sống cùng người dân ở vùng Nội Mông của Trung Quốc. Thời gian ở đây, anh dần trở nên gắn bó với bầy sói. Tiểu thuyết này đã chiếm vị trí đầu trong Top 10 cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc suốt gần 6 năm, tiêu thụ 6 triệu bản.
Tiểu thuyết cùng tên cũng lôi cuốn độc giả thế giới. Sách đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng và xuất hiện trên kệ sách ở hơn 100 nước. Tiểu thuyết này đã mang về hơn 10 giải thưởng văn học khác nhau, gồm giải Man Asian hồi năm 2007.
TRAILER