IMDb : 6.5/10
‘Cô gái trên tàu’: Đoàn tàu điên loạn của những người phụ nữ
Được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy của Paula Hawkins, “The Girl on the Train” là chuyến hành trình khám phá đến tận cùng mê cung cảm xúc đầy phức tạp của phái đẹp.
Cùng khai thác đề tài tâm lý nữ giới như Gone Girl (2014), nhưng The Girl on Train dường như chứa đựng bầu không khí căng thẳng và nặng nề hơn hẳn. Bởi phim không chỉ có một, mà sở hữu tới tận… ba cô nàng giống như Amy Dunne với những “ma trận” tâm lý cực kỳ phức tạp.
Chuyện phim xoay quanh nhân vật nữ chính Rachel (Emily Blunt) - một cô gái chọn tàu hỏa làm phương tiện để đi làm hàng ngày. Buổi sáng, cô đi tàu từ căn nhà ở ngoại ô để đến trung tâm New York làm việc. Buổi chiều, cô lại bắt ngược chuyến tàu ấy trở về nhà.
Suốt hơn một năm ròng rã, Rachel chọn ngồi ở toa thứ ba, bên ô cửa sổ hướng về phía dãy nhà khu ngoại ô bên đường ray. Đó là vị trí hoàn hảo nhất để quan sát những con người sinh sống trong khu vực dân cư bình yên trên con đường Beckett.
Một đôi vợ chồng trẻ đẹp, luôn âu yếm và yêu thương nhau đã thu hút sự chú của Rachel. Cô quan sát họ, chú ý tới họ và dõi theo mọi hành động của họ hai lần mỗi ngày, khi đoàn tàu ra đi và trở về.
Rachel tự đặt tên cho họ và mơ mộng về một cuộc sống hoàn hảo, hoàn toàn khác hẳn của bản thân. Cho đến một ngày, cô gái ngồi trên tàu bỗng phát hiện ra người vợ hạnh phúc kia đang ôm ấp người đàn ông khác trong căn nhà hạnh phúc ấy.
Câu chuyện phức tạp về ba người phụ nữ
Trên thực tế, Rachel là một người phụ nữ đã ly dị chồng, cô đơn và nghiện rượu. Để trốn tránh thực tại, cô luôn bấu víu vào những mường tượng về viễn cảnh đầm ấm của đôi vợ chồng kia như một điểm tựa cho bản thân.
Những giông tố cảm xúc trong lòng Rachel là trọng tâm và sức hút của toàn bộ tác phẩm. Ảo giác, hồi tưởng mơ hồ của cô là thứ vũ khí quan trọng, giúp “đánh lừa” khán giả trong việc giải mã vụ án then chốt. Do đó, sự phát triển tâm lý của Rachel được xây dựng hoàn chỉnh nhất, tạo ra được sự đồng cảm và thấu hiểu với khán giả.
|
Phim có ba nhân vật nữ phức tạp, nhưng Rachel gần như luôn là trung tâm của mọi diễn biến. |
Nhưng không chỉ có Rachel, The Girl on the Train còn có sự xuất hiện của hai người phụ nữ khác. Đó là Megan (Haley Bennett), cô gái tóc vàng xinh đẹp với cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người chồng điển trai Scott (Luke Evans). Song, ẩn sau vỏ bọc đẹp đẽ là người phụ nữ phải sống trong cảnh dằn vặt về quá khứ đau thương, cùng những mối quan hệ rối rắm.
Đó là Anna (Rebecca Ferguson), một bà nội trợ lúc nào cũng ngập tràn sự mệt mỏi bởi phải chăm sóc cho cô con gái Evie. Đây là người phụ nữ lúc nào cũng ánh lên trong mắt sự nuối tiếc về cuộc sống xưa cũ. Cô vốn là người vợ thứ hai của Tom (Justin Theoroux) - chồng cũ của Rachel.
Ba người phụ nữ với ngoại hình, tính cách và hoàn cảnh khác nhau được khắc họa theo từng lớp lang trong phim. Nhịp tác phẩm được bóc tách, xen lẫn với những đoạn tự sự của ba cô gái.
Khi thì chúng diễn ra ở dòng thời gian hiện tại, lúc lại là những đoạn hồi tưởng quá khứ nhằm giúp người xem định hình toàn bộ câu chuyện đang diễn ra. Cuối cùng, khi ba người phụ nữ được liên kết lại với nhau, bí mật lớn nhất trong phim trở nên dần sáng tỏ.
Giống như nhiều bộ phim chuyển thể khác, biên kịch Erin Cressida Wilson đã lược bỏ một số chi tiết của nguyên tác: như mối quan hệ thân thiết giữa Rachel và cô bạn cùng nhà, hay sự mê mẩn trong mối quan hệ giữa Rachel và Scott cũng không được khắc họa sâu…
Tuy nhiên, quyết định đó đã giúp khán giả bớt bị xao lãng và tập trung hơn vào câu chuyện vốn dĩ đã rất rối rắm.
|
Diễn biến của bộ phim ở khoảng giữa bị lê thê bởi cách kể chuyện chưa hợp lý của Tate Taylor. |
Đạo diễn Tate Taylor, người từng gây tiếng vang với bộ phim The Help, hứa hẹn sẽ giúp cho The Girl on the Train tạo ra thành công tương tự Gone Girl của David Fincher. Nhưng Taylor lại chọn cách kể chuyện theo đúng trình tự như trang giấy, và đó là một sai lầm tai hại bởi kể từ giữa phim, tác phẩm điện ảnh bị dài dòng, lê thê.
Lựa chọn cách kể giống hệt như trong sách cũng là lý do khiến The Girl on the Train chưa thực sự được lòng độc giả nguyên tác, bởi họ muốn theo dõi nội dung bộ phim theo cách mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Với những khán giả chưa từng đọc truyện, điều đó có lẽ không gây ra quá nhiều ảnh hưởng. Bởi nội dung của The Girl on the Train vẫn còn vẹn nguyên sức hấp dẫn nhờ tầng tầng lớp lớp tâm lý đan xen, kết hợp với hành trình đi tìm câu trả lời lớn nhất: ai mới là kẻ nói dối thật sự?
The Girl on the Train sở hữu dàn diễn viên không chỉ đẹp về ngoại hình, mà còn mang khả năng diễn xuất rất tốt. Luke Evans và Haley Bennet khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình nhờ những cảnh quay nghệ thuật nóng bỏng. Minh tinh Thụy Điển Rebecca Ferguson có gương mặt gợi cảm, đủ sức hớp hồn mọi ánh nhìn.
|
Emily Blunt từng nhận đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc tại BAFTA và SAG nhờ bộ phim. |
Nhưng nổi bật hơn cả chính là phần diễn xuất tinh tế, đầy cảm xúc của nữ diễn viên chính Emily Blunt. Tâm lý phức tạp, rối rắm của Rachel đã được bông hồng nước Anh truyền tải chân thực thông qua biểu cảm trên gương mặt.
So với mô tả của tác giả văn học Paula Hawkins (thân hình béo ú, mặt đầy tàn nhang, khổ sở), thì tạo hình của Emily Blunt là quá đẹp. Song, nữ diễn viên vẫn khéo léo lột tả được tâm trạng tuyệt vọng, bất an và sợ hãi của nhân vật mà không tạo ra cảm giác “quá đà”.
Tuy chưa thể tạo ra hiệu ứng như Gone Girl cách đây hơn hai năm, nhưng The Girl on the Train vẫn là tác phẩm tâm lý đáng xem về phái đẹp, và dành cho phái đẹp.
Phim dẫn dắt khán giả đi vào góc khuất trong tâm lý của những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ trong cuộc sống hiện đại. Họ có thể điên rồ, khó hiểu, phức tạp và nguy hiểm. Nhưng sâu thẳm trong lòng, phụ nữ vẫn luôn là những kẻ yếu đuối đáng thương, đặc biệt khi dính đến tình yêu và đàn ông.
Điều đó giống như những gì tác giả George Carlin đã từng viết trong tác phẩm When Will Jesus Bring the Pork Chops?: “Đây là tất cả những điều các bạn cần biết về đàn ông và phụ nữ: phụ nữ thì bị điên, còn đàn ông thì ngu ngốc. Và lý do khiến người phụ nữ bị điên chính là những gã đàn ông ngu ngốc”.