IMDb : 6.5/10
Lắng lòng với bản tình ca buồn mênh mang của Đường Tam Tạng trong "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc"
Được đầu tư lên đến 1900 tỉ đồng Việt Nam, "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc" thực chất lại là một cuốn phim diễm tình, một bản tình ca buồn mênh mang của Đường Tam Tạng và Nữ vương Tây Lương.
Tây Du Ký là một tác phẩm kể về hành trình trưởng thành của Đường Tam Tạng qua sứ mệnh đi đến Tây Thiên thỉnh kinh. Thế nên không có gì lạ khi các tác phẩm phim ảnh chuyển thể thường khai thác khía cạnh tình cảm, tâm tư của nhân vật để nói lên sự trưởng thành của họ, đồng thời là giác ngộ lý tưởng của Phật Giáo.
Đã có quá nhiều phiên bản Tây Du Ký chuyển thể từ quê nhà Trung Quốc đến các nước khác, dù câu chuyện luôn là chuyến đi qua 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng nhưng ở mỗi phiên bản về sau, các chi tiết càng được vận công sáng tạo nhiều hơn.
Nếu Tây Du Giáng Ma (Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện) của Châu Tinh Trì là một biến thể lạ nhất về Đường Tam Tạng; Đại thoại Tây Du (cũng là của Châu Tinh Trì) lại là một tác phẩm tuyệt vời về những điều mềm yếu bên trong Tôn ngộ Không thì series Tây Du Ký của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy vẫn khá sát với nguyên tác, nhưng ở mỗi phần phim lại có những nét chấm phá rất thú vị để khắc họa rõ nét hơn tâm tư của các nhân vật.
Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc được đầu tư khủng về bối cảnh, kĩ xảo
Trong nguyên tác, trường đoạn ở Tây Lương Nữ Nhi Quốc là một trải nghiệm khó quên của bốn thầy trò Đường Tam Tạng, lần đầu tiên họ thấy một nơi toàn nữ giới. Cũng là lần đầu tiên Đường Tam Tạng suýt thì đã động lòng trước nữ quốc vương tài sắc vẹn toàn. Và cũng là lần duy nhất các thầy trò Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng… có thai. Cả một chuỗi những kinh hỉ được tác giả Ngô Thừa Ân xâu chuỗi lại, hòng ẩn chứa những triết lý rất nhân văn và đầy Phật tính.
Viết Phật pháp giữa thảo nguyên, một cách xây dựng tình cảm rất tinh tế của đạo diễn
Nhắm đến việc khai thác trường đoạn này một cách mới mẻ, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy đã cải biên cốt truyện ở một số chỗ. Sau khi thoát khỏi ma trảo của Bạch Cốt Tinh, thầy trò Đường Tăng đi qua Vong Xuyên Hà, vì chọc giận Hà thần mà lạc vào Tây Lương Nữ Quốc. Khi đến nơi, mọi người mới phát hiện quốc gia này chỉ có phụ nữ, từ khi lập quốc đến nay chưa từng có người đàn ông nào đặt chân tới.
Theo tịch thư của tiên tổ, người dân Tây Lương Nữ Quốc xem đàn ông như kẻ địch không đội trời chung, một loại độc dược không thể giải. Trong tích xưa còn có lời tiên đoán, rằng một ngày kia, sẽ có một vị hòa thượng từ Đông Thổ Đại Đường dẫn theo một con khỉ, một con heo và một người đàn ông đến đây. Ngày họ đến, cũng là lúc Nữ nhi quốc đi vào con đường diệt vong.
Lời dặn dò của tổ tiên đã khiến tình cảm sét đánh của Nữ Vương (Triệu Lệ Dĩnh) dành cho Đường Tăng (Phùng Thiệu Phong) bị ngăn cấm. Nhưng cũng chính những thử thách đó, mà cả hai hiểu ra tình cảm dành cho nhau và trưởng thành hơn. Cái kết của phim thể hiện hợp lý quá trình phát triển tâm lý của hai nhân vật chính này.
Hai người đã vẽ nên một mối tình buồn rười rượi
Sở hữu cốt truyện thú vị so với nguyên tác, nhưng kịch bản phim không sa đà vào việc tạo sự giật gân, phá cách. Trái lại, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy đã tôn trọng khung sườn Phật pháp mà Ngô Thừa Ân đã viết ra. Tài tình hơn, ông xâu chuỗi chúng và giải thích qua những lời thoại rất tinh tế để giúp khán giả dễ hiểu hơn, thấm thía hơn triết lý nhà Phật.
Chẳng hạn như trong tác phẩm gốc, ba đồ đệ Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng là đại biểu cho Tinh Khí Thần của Đường Tăng thì trong Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc, hành động của họ thể hiện sự dao động của bản tâm Đường Tăng cũng như sự trấn tĩnh của lý trí. Những suy nghĩ, quyết định của ba đồ đệ thoạt trông thì rất hoạt kê, nhưng lại chính là sự đấu tranh tâm lý của vị đại sư đang trên con đường giác ngộ chân kinh.
Một chi tiết khác là việc uống nước thần để phá thai. Nếu trong bản phim truyền hình, Đường Tam Tạng chỉ đơn thuần là uống nước thần để phá bỏ cái thai ngoài ý muốn, thì trong bản phim này, đó là kết quả của rất nhiều tâm tư, cũng như sự cứng rắn của Ngộ Không – biểu tượng của lí trí bên trong Tam Tạng mà đôi lúc chính ông cũng khiến nó mềm đi.
Còn rất nhiều tình tiết khác mà nếu bạn đã đọc qua nguyên tác của Ngô Thừa Ân, bạn sẽ thấy rằng chúng được khai thác rõ ràng, bình dân hơn để người xem phổ thông có thể hiểu hết những thứ ấy tượng trưng cho điều gì trong quá trình giác ngộ. Rất đơn giản và trực quan, câu chuyện của Tây Du Ký 3 là một sự giải thích về những đối lập của yêu - hận, khổ đau - hạnh phúc trong trái tim con người, những thứ ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận.
Đường Tăng của Phùng Thiệu Phong là một vai diễn có chiều sâu và dấu ấn rất riêng trong những phim về Tây Du Ký
Với một cốt truyện phải đảm bảo cân bằng giữa triết lý và cảm xúc thông thường, thì sức nặng đổ lên vai dàn diễn viên là không nhỏ chút nào. Nhân vật gây tranh cãi nhất, Triệu Lệ Dĩnh, vẫn còn gượng gạo ở đôi chỗ. Dẫu biết vai Nữ Vương là một thiếu nữ tách biệt với cuộc đời, nhưng biểu cảm của cô vẫn hơi thiếu tự nhiên.
Những người còn lại, Phùng Thiệu Phong, Quách Phú Thành và dàn diễn viên phụ đã hỗ trợ rất tốt cho Triệu Lệ Dĩnh. Cá nhân người viết đánh giá cao diễn xuất của Phùng Thiệu Phong. Từ một Tam Tạng chân thành nhưng lạc lối, đến một Tam Tạng giác ngộ ra Đại Ái, hành trình đó được Phùng Thiệu Phong thể hiện qua ánh mắt và nét mặt một cách tinh tế.
Nếu bạn chưa xem phim, hãy để ý ánh nhìn của Đường Tăng dành cho Nữ Vương ở đầu phim và ở đoạn cao trào cuối phim. Cả một trường biến cố đổi thay số phận và tư duy của một người đàn ông đều dồn hết vào trong đôi mắt ấy. Có lẽ chính sự nhập tâm đó đã khiến diễn xuất của Triệu Lệ Dĩnh tốt hơn hẳn trong những đoạn cuối phim.
Vai Nữ Vương được cải biên này khá thú vị, công bằng mà nói thì Triệu Lệ Dĩnh đã làm tốt
Bên cạnh Phùng Thiệu Phong diễn xuất thần là một Quách Phú Thành rất hiểu ý. Không phải vì anh là một ngôi sao lâu năm của điện ảnh xứ Cảng Thơm mà phải lên gân, cường điệu để chiếm lấy sự chú ý của khán giả. Tôn Ngộ Không của Quách Phú Thành thể hiện sự đáng tin của một chiến hữu lâu năm, sự cương quyết của lý trí mà vẫn tôn trọng tình cảm của người thầy, người bạn đồng hành.
Nét riêng rất đáng yêu này của Ngộ Không có lẽ đến từ sự thấu hiểu nhân vật và tôn trọng vai diễn của Quách Phú Thành. Có thể nói, Tây Du Ký 3 là lần đầu tiên bạn thấy một Ngộ Không không xung đột gay gắt với Đường Tăng, mà còn chấp nhận hy sinh rất nhiều điều vì sư phụ của mình.
Cốt truyện ổn và diễn xuất tốt, kĩ xảo lẫn âm nhạc đều được trau chuốt cực kì mãn nhãn. Thế nhưng điểm trừ của phần này chính là ở trận đánh lớn cuối cùng. Cả phần một lẫn phần hai đều rất được đầu tư kĩ xảo, sự hoành tráng ở trận đánh với Ma Vương và Bạch Cố Tinh. Còn phần này vì tập trung vào chuyện tình yêu, "trùm cuối" cũng liên quan đến chuyện tình yêu nên hơi... hiền, thành thử ra cảm giác lẫn hình ảnh của trận đánh cuối không được dữ dội và quyết liệt so với hai phần trước.
Có thể nói Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc là phần phim dịu dàng nhất trong cả ba phần đã được sản xuất. Những chi tiết, ẩn dụ sáng tạo trong câu chuyện thực sự tạo cảm giác vừa tình vừa buồn, mênh mang như Đại Hải không tìm được nơi cập vào bờ. Nói quá lên một chút thì phần này thực chất là một bộ phim ngôn tình lồng trong cái khung của Tây Du Ký, một bộ phim ngôn tình được đầu tư lên đến 550 triệu nhân dân tệ, thật sự rất đáng để thưởng thức.