Chiến tranh thế giới lần thứ II và chủ nghĩa Phát-xít đã để lại những dấu ấn và những vết thương không bao giờ lành được với nhân loại. Đã có không ít các sách báo và công trình nghiên cứu về nó cũng như nhiều bộ phim đã và đang được dàn dựng. Bài học của lịch sử luôn có giá trị cho tương lai. 60 năm sau nhìn lại quá khứ của chính dân tộc mình, với một góc nhìn rất Đức, đạo diễn trẻ Oliver Hirschbiegel đã làm nên một sự chấn động lớn không chỉ đơn thuần trong điện ảnh mà cả trong đời sống xã hội và chính trị đương thời của toàn châu Âu.
Der Untergang tên phim nguyên bản trong tiếng Đức nghĩa là Sụp đổ (tiếng Anh là Downfall :Hitler and the End of the Third Reich) hoàn toàn là một bộ phim lịch sử, trung thực và chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất có thể. Theo nhà sản xuất phim Bernd Eichinger thì giá trị của bộ phim nằm ở chỗ nó không mang tính phán quyết một giá trị nào cả. Chính điều này đã làm nổ ra nhiều tranh cãi xung quanh giá trị đích thực của bộ phim. Có thể hiểu được phản ứng của những người sống tại các quốc gia từng là nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã trước năm 1945 mà Việt nam cũng từng là nạn nhân của chủ nghĩa ấy dù dưới một khía cạnh khác.
Tuy nhiên sự căm thù của người Việt nam với Phát-xít Nhật hay thực dân Pháp lại không dai dẳng cho đến tận ngày nay như người châu Âu căm ghét chủ nghĩa Phát-xít. Trong cái nhìn của người châu Âu thì Hitler là một con quái vật của nhân loại, không hề có tính người và cỗ máy chiến tranh được vận hành bởi nó là đáng nguyền rủa muôn đời. « Câu hỏi là ở chỗ ta nên tái tạo Hitler giống như một con voi hay một con lạc đà ? » nhà báo Marcel Reich-Ranicki rễu cợt. Câu trả lời đã được sử gia kiêm văn sĩ Golo Mann trả lời từ lâu : « Không được rốt cuộc rồi lại viết tiểu sử của một tên tội phạm giết người hàng loạt. Hắn ta đã qua đêm thế nào, thích nghe loại nhạc gì, uống rượu vang Bordeaux hay Champagne ; tất cả những điều ấy không khiến ta quan tâm, chẳng có gì là thích đáng cả. »
Tất nhiên đạo diễn Oliver Hirschbiegel và Joachim C. Feest lại không nhìn nhận việc dựng phim về một nhân vật như Hitler là vô nghĩa lý. Như thế bộ phim bắt đầu đưa ta trở về Berlin một tối mùa đông năm 1942 trong một bối cảnh cũng rất đặc biệt : Hitler tuyển thư ký riêng. Mặc dù tôi đã xem khá nhiều phim tài liệu cũng như các tư liệu khác về nước Đức quốc xã thời kỳ này nhưng hình ảnh của Führer Hitler, do Bruno Ganz thủ vai, lại xuất hiện dưới một góc nhìn khác, khá đơn giản chứ không hùng hổ như khi diễn thuyết. Thật sự thì bộ phim đã bắt đầu từ trước đó ít phút với một giọng nói phía sau một màn hình tối đen của một nhân chứng, người phụ nữ giấu mặt ấy thong thả, từ tốn nối về hành động của mình thời tuổi trẻ, bà không tìm cách biện minh bằng sự nông nổi, thiếu chín chắn cùng với tò mò của mình thời ấy, mà chấp nhận sự thật cũng như những tội lỗi mà mình đã tham gia. Ta có thể hiểu ngay ý đồ của đạo diễn là muốn kể lại câu chuyện lịch sử bằng các nhân chứng sống.
Ấn tượng đầu tiên là Hitler đã chọn cô gái xinh nhất, Traudl Junge người gốc Munich, do Alexandra Maria Lara thủ vai, làm thư ký. Yêu Alexandra Maria Lara cũng từ hồi xem phim này ,. Tiếp theo là những chi tiết có phần hơi hài hước nhưng diễn ra rất nhanh giống như một lời giới thiệu cho nhân chứng Traudl Junge. Đó là những năm tháng cuối cùng của Thế chiến thứ 2. Năm 1944, thế lực của Đức Quốc Xã suy kiệt trên mọi mặt trận, dấu hiệu cho một sự sụp đổ được báo trước. Ở mặt trận phía đông, Hồng Quân Xô VIết lần lượt đánh bại, đẩy lùi quân Đức ra khỏi Châu Âu. Còn ở phía tây là cuộc đổ bộ mạnh mẽ của quân Đồng Minh trong các mặt trận giải phóng Châu Âu.
Điều gì đến cũng phải đến, một ngày cuối tháng 4 năm 1945, người ta nghe tiếng pháo kích dữ dội của người Nga vào ngay trung tâm thành phố Berlin, tổng hành dinh của phát xít. Bên ngoài thành phố, Hồng Quân và quân đội Đức quốc xã, trong đó có cả những chiến sĩ 10 tuổi giao tranh ác liệt để chiếm từng con phố, cây cầu. Trong khi đó, Adolf Hitler và bộ sậu thân tín của mình ẩn náu dưới một boongke, và sống những ngày cuối đời của mình trong sự sụp đổ....
TRAILER