IMDb : 8.5/10
GLADIATOR – KHÍ CHẤT BI HÙNG CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRÊN ĐẤU TRƯỜNG
Kể từ đầu thế kỷ 21, những tác phẩm sử thi tưởng như đã bị lãng quên từ lâu bỗng dưng tìm lại được chỗ đứng. Những bộ phim như Troy, 300, Kingdom of Heaven hay loạt phim truyền hình Spartacus … phải cảm ơn Gladiator (tựa Việt là Võ Sĩ Giác Đấu) về điều này. Ra đời vào năm 2000, Gladiator không chỉ gây ra một cơn sốt tại các rạp chiếu thời bấy giờ mà còn làm sống dậy niềm đam mê thể loại phim sử thi với khán giả. Có được điều này không thể không nhắc tới hình tượng dũng tướng Maximus thấm đẫm chất đàn ông qua sự thể hiện của Russell Crowe.
Dũng tướng Maximus là vai diễn để đời của Russell Crowe
Ở thời điểm đó, Crowe đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Nam diễn viên đến từ Australia này tham gia đoàn làm phim Gladiator với vốn lận lưng là hai bộ phim được đề cử Oscar là L.A Confidential (1997) và The Insider (1999). Trước đó, đàn anh Mel Gibson đã được mời vào vai Maximus, song ngôi sao của Braveheart lại từ chối với lý do mình đã quá già cho vai diễn này. Nhờ thế mà ở tuổi 36 với tất cả tài năng và sự tự tin vào bản thân, Crowe đã có một màn nhập vai để đời và được tưởng thưởng với Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”. Ông tự tin tới mức ngạo mạn và từng nói thẳng với nhà biên kịch William Nicholson: “Lời thoại của ông viết ra chẳng khác gì thứ rác rưởi, như ta là diễn viên vĩ đại nhất thế giới và ta có thể khiến rác rưởi cũng trở nên lọt tai!”
Xem phim, khán giả sẽ hiểu tại sao Crowe lại tự tin đến nhường ấy. Ông vào vai nhân vật giả tưởng Maximus Decimus – một viên tướng chỉ huy đạo quân La Mã tinh nhuệ đánh đông dẹp bắc. Tài năng chỉ huy, sự dũng mãnh trên chiến trận và cả tính khiêm nhường khi rời yên ngựa khiến Maximus được hoàng đế Marcus Aurelius (Richard Harris) ưu ái. Ông quyết định chọn Maximus làm người kế vị mình thay vì để con trai là hoàng tử Commodus (Joaquin Phoenix) lên nối dõi. Khi biết được ý đồ của vua cha, Commodus đã ra tay giết chết chính phụ thân mình để giành lấy ngai vàng. Một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Commodus khi lên nắm quyền là cho quân lính xử tử Maximus như một biện pháp phòng ngừa hậu họa sau này. Maximus đã may mắn trốn thoát và sống sót, song vợ và con trai anh ở nhà lại không có được may mắn ấy. Số phận đã đưa đẩy khiến Maximus trở thành nô lệ và được đào tạo để trở thành một võ sĩ giác đấu mua vui cho khán giả. Maximus nhận ra đây là cơ hội để anh có thể trở lại Rome và chiến đấu tại đấu trường Colosseum huyền thoại. Một cơ hội để vị mãnh tướng này tái xuất trước công chúng và đối mặt với Commodus – kẻ đã hủy hoại cuộc đời anh …
Phim là hành trình trả thù và tìm lại công lý của Maximus trước tên hôn quân Commodus
Dù là một bộ phim có bối cảnh lịch sử và xuất hiện nhiều nhân vật có thật như vua Marcus Aurelius, Commodus … song Gladiator của đạo diễn Ridley Scott vẫn là một câu chuyện hư cấu. Kịch bản có nhiều chi tiết khác xa với lịch sử, song điều này không phải vấn đề với những người yêu điện ảnh. Gladiator có đủ yếu tố để làm nên một bộ phim đặc sắc: từ dàn diễn viên, dàn cảnh chiến đấu, âm nhạc bi tráng cho tới những trường đoạn khắc sâu trong tâm trí những ai từng xem qua bộ phim.
Từ trận chiến Vidobona khúc dạo đầu cho tới những màn giao tranh trong đấu trường La Mã cổ đại, Gladiator mang tầm vóc của một đấu sĩ sừng sững so với nhiều bộ phim cùng thể loại. Phải non nửa thế kỷ kể từ thời hoàng kim của những phim Hollywood có bối cảnh La Mã như Ben-Hur (1959) hay Spartacus (1960), người hâm mộ điện ảnh mới lại được thấy kẻ kế thừa xứng đáng là Gladiator. Tiêu biểu như trường đoạn trận đánh Zama được tái thiết ở đấu trường Colosseum, khi những võ sĩ giác đấu phải vào vai những kẻ thua trận và chờ đám quân La Mã tới hạ sát. Từ hoàng đế Commodus tới bá quan triều đình đều trông chờ một chiến thắng dễ dàng của phe La Mã trước đám võ sĩ nô lệ, nhưng tài thao lược của Maximus đã thay đổi cục diện. Trận Zama trong phim được dàn dựng công phu với không chỉ vũ khí thông thường mà còn cả xe kéo. Các góc máy quay được đổi liên tục, khi thì soi cận cảnh vào những chiến binh đang chiến đấu vì sinh mệnh, khi thì lại đưa lên khán đài với hàng ngàn con người đang hò reo trong cơn say máu … giúp khán giả hiện đại được sống lại bầu không khí hào hùng, sục sôi của Colosseum từng chiến kiến bao nhiêu người ngã xuống.
Trong đấu trường của máu và cát ấy, khí chất của một mãnh tướng là Maximus vẫn là bất biến. Bộ quần áo cũ kỹ, phủi đầy bụi của một nô lệ không thể che giấu được cái uy của Maximus, khi anh đứng ra chỉ huy bày binh bố trận thì mọi đấu sĩ khác tự giác tuân theo. Họ có thể không biết anh là ai, nhưng thần thái và ánh mắt tóe lửa của Maximus trên chiến trận đủ khiến những kẻ xa lạ muốn quy hàng dưới trướng của anh. Khi Maximus cất tiếng thét lên khán đài “Các ngươi không thấy giải trí ư?” thì bầu không khí tĩnh lặng bỗng vang lên tiếng hò reo như sấm.
Maximus toát ra khí chất khiến những người xung quanh tự động suy tôn anh làm thủ lĩnh
Và khi Maximus đối diện với Commodus bằng ánh mắt sắc lạnh: “Tên ta là Maximus Decimus Meridius, chỉ huy đạo quân phía Bắc, tướng chỉ huy Felix Legions và đầy tớ trung thành của hoàng đế đích thực Marcus Aurelius. Là chồng và cha của những người đã bị sát hại dã man, và ta sẽ trả thù bằng được, dù là kiếp này hay kiếp sau!” thì không chỉ Commodus mà mọi người xem trường đoạn ấy đều phải ớn lạnh. Vai diễn Maximus đậm chất bi tráng ấy gắn liền với Russell Crowe bởi cái khí chất mà nhân vật này tỏa ra. Từ khoảnh khắc đầu xuất hiện cho tới những giây cuối cùng của phim, chân giá trị của người đàn ông này chưa khi nào nhạt nhòa. Anh luôn hướng trái tim về gia đình, giúp đỡ những người nô lệ vô danh được sống sót và không bao giờ chấp nhận quỳ gối trước cái ác. Tương phản với Maximus là Commodus – một vai diễn xuất sắc khác. Người đảm nhiệm vai này là Joaquin Phoenix và anh đã nhập tâm vào vai diễn tới mức sau khi kết thúc cảnh quay Commodus giết chính cha đẻ mình, Phoenix đã ngã gục vì xúc động. Những khán giả hiện đại xem phim sẽ không khỏi liên tưởng nhân vật Commodus với vua Joffrey trong Game of Thrones đình đám. Sự thật là khi chuẩn bị cho vai diễn Joffrey lạm quyền, đáng ghét và đầy thủ đoạn đớn hèn, nam diễn viên trẻ Jack Gleeson đã xem lại Gladiator để mô phỏng cách Joaquin Phoenix vào vai Commodus. Vị hoàng đế này khiến người xem vừa thấy đáng ghét vì những mưu hèn kế bẩn lại vừa thấy tội nghiệp hắn bởi sự thiếu thốn tình thương. Nội tâm của Commodus rất phức tạp, thể hiện qua những hành vi gần gũi quá trớn và đe dọa chị gái Lucilla (Connie Nielsen). Sự tương phản giữa một kẻ phản diện thủ đoạn là Commodus với người anh hùng hiên ngang Maximus đã làm nên sự hấp dẫn và cao trào của bộ phim.
Sự tương phản giữa Commodus và Maximus
Sau khi ra rạp, Gladiator đã làm nên kỳ tích với một phim sử thi khi thu về gần 500 triệu USD và giành năm giải Oscar bao gồm cả “Phim xuất sắc nhất”. Trong danh sách 250 phim hay nhất mọi thời đại của IMDB, Gladiator đang góp mặt ở vị trí thứ 46 và đặc biệt được các đấng mày râu ưa thích. Có quá nhiều thứ được người ta nhớ đến về bộ phim: từ vẻ oai dũng của Maximus, ánh mắt thủ đoạn của Commodus, những trận chiến được dàn dựng công phu cho tới khúc nhạc nền bi tráng Now We’re Free của Hans Zimmer … Khi hiệu triệu quân dưới trướng, Maximus đã úy lạo tinh thần tất cả bằng lời khẳng định: “Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ vang mãi trong sử sách”. Đó cũng là tầm vóc của Gladiator trong lòng khán giả và lịch sử điện ảnh.