IMDb : 8.1/10
Jurassic Park: Bộ phim tạo nên cuộc cách mạng về kỹ xảo điện ảnh
Đưa thế giới khủng long trở thành hiện thực trên màn ảnh rộng, đạo diễn Steven Spielberg đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp điện ảnh, thời kỳ của kỹ xảo máy tính (CGI)
Những ngày này, khán giả Việt Nam đang sắp được thưởng thức bộ phim bom tấn “Jurassic World: Fallen Kingdom” với những kỹ xảo hoành tráng. Những kỹ xảo trong “Jurassic World: Fallen Kingdom” cũng như nhiều bộ phim viễn tưởng khác đều được thực hiện bằng máy tính, tất cả là cũng nhờ bắt nguồn từ bộ phim đi tiên phong cách đây hơn 20 năm, Jurassic Park. Có thể nói, Jurassic Park ra đời năm 1993 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nền công nghiệp điện ảnh với việc ứng dụng kỹ xảo máy tính vào phim.
Mở ra khung trời mới cho công nghiệp điện ảnh
Ngay từ những cảnh mở đầu của Jurassic Park, các nhân vật trong phim đã vô cùng choáng ngợp trước cảnh tượng những chú khủng long brachiosaurus khổng lồ thời tiền sử dạo bước trước mặt. Sự choáng ngợp này cũng chính là những gì khán giả thời bấy giờ trải qua khi xem cảnh tượng này. Đây có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, khán giả được chứng kiến một màn phô diễn kỹ xảo hoành tráng đến như vậy.
Một trong những cảnh tượng tuyệt vời nhất trong lịch sử điện ảnh
Ở thời điểm Jurassic Park ra đời, công nghệ CGI (computer-generated images: kỹ xảo hình ảnh máy tính) đã có nhưng hoàn toàn chưa có dấu ấn gì trong công nghiệp điện ảnh cũng như chứng minh được hiệu quả doanh thu phòng vé. Thậm chí, một trong những bộ phim ứng dụng công nghệ CGI đầu tiên là Tron (1982) đã thất bại thảm hại khi chi phí sản xuất quá lớn còn doanh thu chỉ tàm tạm. Điều này khiến cho trong hơn 10 năm liền, các đạo diễn ở Hollywood luôn e dè khi đề cập đến việc đưa công nghệ CGI trở lại quy trình làm phim.
Vài năm trước Jurassic Park, vẫn có bộ phim ứng dụng công nghệ CGI và đạt được thành công rực rỡ là Terminator 2: Judgment Day (1991). Tuy nhiên, những kỹ xảo này không quá khác biệt với các hiệu ứng điện ảnh trước đó để khiến khán giả phải kinh ngạc. Việc áp dụng kỹ xảo máy tính trong Jurassic Park đã giúp xé toang bức màn ngăn cách và giúp khán giả dễ dàng nhận ra được hiệu quả của CGI trong phim ảnh và tạo ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Bản thân đạo diễn Steven Spielberg ngay khi được nhìn thấy những hình ảnh thử nghiệm đầu tiên về khủng long do công ty kỹ xảo Industrial Light and Magic thực hiện, đã phải cho rằng ông đang “chiêm ngưỡng tương lai của điện ảnh trước mắt mình”. Còn với chuyên gia thực hiện kỹ xảo kiểu kinh điển Phil Tippett, ông đã phải cho rằng nghề của mình đến lúc tuyệt chủng (“I think I’m extinct!”). Câu than thở này của Phil Tippett đã tạo cảm hứng để đạo diễn Steven Spielberg đưa thành lời thoại nổi tiếng của nhân vật Ian Malcom trong phim: “Don’t you mean extinct?” (Có phải ý anh là tuyệt chủng?), khi anh này nói về chuyện hết việc để làm.
Đạo diễn George Lucas cũng được xem những thước phim đầu tiên này cùng với Steven Spielberg đã nói rằng ông được chứng kiến một khoảnh khắc huy hoàng của lịch sử. George Lucas so sánh việc này ảnh hưởng đến điện ảnh giống như phát minh ra bóng đèn điện hay điện thoại với xã hội. Nhà phê bình phim Tom Shone đã viết rằng: “Jurassic Park tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điện ảnh mạnh mẽ không kém gì sự xuất hiện của âm thanh trên phim vào năm 1927”.
Dấu ấn từ vị đạo diễn vĩ đại
Dù có sự hỗ trợ to lớn của kỹ xảo máy tính, không ai có thể phủ nhận đạo diễn Steven Spielberg với tầm nhìn xa của ông mới là yếu tố then chốt tạo nên thành công cho Jurassic Park. Ông đã xác định rằng kỹ xảo CGI là một giải pháp nhưng không phải là thứ để dựa dẫm hoàn toàn vào. Chính vì vậy, Steven Spielberg đã có cách phối hợp hài hòa các cảnh quay thực với kỹ xảo để tạo nên sự chân thực.
Dễ thấy nhất là việc hầu hết các con khủng long mà khán giả nhìn thấy trong Jurassic Park đều là sản phẩm phối hợp giữa các con khủng long máy với khủng long tạo từ CGI. Có thể lấy ví dụ điển hình là cảnh phim kinh hoàng khi khủng long bạo chúa T-Rex tấn công chiếc xe ô-tô. Ở cảnh này, đạo diễn đã phối hợp một cách khéo léo giữa việc quay một con khủng long T-Rex bằng máy thực hiện các pha tấn công và dùng kỹ xảo CGI để thể hiện bước chạy của nó. Mỗi khi có thể, Steven Spielberg đều cố gắng quay với khủng long máy vì chúng được thiết kế với đúng kích thước nên tạo ra góc nhìn chân thực hơn trong khung hình.
Sự phối hợp giữa khủng long máy và CGI đã tạo nên những cảnh quay chân thực nhất
Cùng với đó là những cảnh kết hợp giữa kỹ xảo hiện đại và cổ điển như các hàng rào, chiếc xe Jeep rung chuyển theo bước chân của khủng long được quay thực và thêm vào khủng long từ CGI. Tương tự như vậy là ở cảnh gần cuối phim, khi một con khủng long tạo từ CGI ném một sinh vật cũng từ CGI khác vào bộ xương và bộ xương rã ra từng mảnh, bộ xương là cảnh quay thật.
Đó chính là cách để đạo diễn Steven Spielberg khiến cảnh quay dùng kỹ xảo máy tính trở nên thật hơn trên màn ảnh. Điều kỳ diệu mà Steven Spielberg thực hiện ở Jurassic Park chính là ở chỗ các con khủng long CGI có thể trông không được thật cho lắm nhưng ông đặt chúng vào một thế giới quan các cảnh quay thật nên đã thuyết phục được khán giả.
Phim bom tấn vĩ đại
Sau khi công chiếu, Jurassic Park lập tức trở thành một hiện tượng phòng vé và phá vỡ kỷ lục doanh thu trước đó do một bộ phim khác cũng của Steven Spielberg là E.T. the Extra-Terrestrial (1982) thiết lập. Kỷ lục doanh thu hơn 900 triệu đô-la Mỹ này tồn tại đến khi Titanic (1997) ra đời. Jurassic Park tạo ra ấn tượng mạnh đến mức một đội bóng chày thành lập năm 1993 ở Toronto, Canada, đã lấy tên là Raptors theo loài khủng long trong phim.
Một trong những dấu ấn khác khiến khán giả nhớ đến Jurassic Park là nhạc phim do nhà soạn nhạc lừng danh John Williams thực hiện. Các bản nhạc của John Williams viết cho Jurassic Park được các chuyên gia nhận định là thuộc hàng những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Khó ai xem phim rồi mà có thể quên được bản Journey to the Islandchơi bằng kèn trumpet đầy ma mị hay khúc nhạc mở đầu, Theme from Jurassic Park, khi các nhân vật mới đến với Công viên khủng long.
VỚI THÀNH CÔNG CỦA JURASSIC PARK, HÃNG UNIVERSAL ĐÃ THIẾT KẾ MỘT KHU GIẢI TRÍ MANG TÊN JURASSIC PARK: THE RIDE Ở MỸ. NẾU NHƯ JURASSIC PARK MẤT 63 TRIỆU ĐÔ-LA MỸ THÌ KHU GIẢI TRÍ NÀY TỐN ĐẾN 110 TRIỆU ĐÔ-LA