‘The Lone Ranger’, Phim Miền Tây Theo Kiểu ‘Cướp Biển’
The Lone Ranger là một trong những bom tấn lớn nhất hè này và quy tụ dàn siêu sao từ loạt phim Pirates of the Caribbean như tài tử Johnny Depp, nhà sản xuất “tỷ đô” Jerry Bruckheimer cùng đạo diễn lừng danh Gore Verbinski. Tác phẩm này từng được kỳ vọng sẽ làm sống dậy dòng phim miền viễn Tây như với dòng phim cướp biển cách đây 10 năm nhưng các nhà sản xuất của Disney đã tính toán nhầm bởi khán giả luôn đòi hỏi sự mới lạ.Trailer phim "The Lone Ranger"
The Lone Ranger thực chất là một nhân vật hư cấu, lần đầu xuất hiện trên sóng radio của Mỹ vào năm 1933. Hai thập niên sau, kỵ sĩ này được đưa lên màn ảnh nhỏ qua một loạt phim truyền hình nổi tiếng, trước khi chìm dần và lần gần nhất góp mặt trong phim đã là 32 năm trước. Disney quyết định tái sinh huyền thoại, biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ bằng cách trao nhân vật này cho diễn viên trẻ Armie Hammer.
Johnny Depp trong vai Tonto còn Armie Hammer vào vai Lone Ranger. Ảnh: Disney.
Anh vào vai viên luật sư trẻ John Reid, người trở về quê hương Colby, Texas vào năm 1869 với hy vọng góp trí tuệ cho mảnh đất vốn quen giải quyết mọi việc bằng khẩu súng. Trong chuyến tàu về nhà, anh vô tình giải thoát một tên du thủ du thực có tên Butch Cavendish (William Fichtner) khỏi một người thổ dân kỳ quái là Tonto (Johnny Depp). Ai ngờ băng nhóm của Butch đã chờ sẵn và đẩy John cùng Tonto vào tình cảnh khó khăn, trước khi đoàn tàu được viên cảnh sát Dan Reid (James Dale) giải cứu.
Dan chính là anh trai và cũng là chồng tình yêu thời trẻ của John, nàng Rebecca (Ruth Wilson). Tên Butch nhanh chóng trả thù khi hãm hại Dan cùng nhóm kỵ sĩ. May mắn thoát chết, John nung nấu ý định trả thù nhưng vẫn tuân thủ phương pháp bất bạo lực. Với ý tưởng kỳ lạ của Tonto, anh đeo lên mặt chiếc mặt nạ và trở thành The Lone Ranger. Một anh chàng luật sư chiến đấu chống lại cái ác mà không muốn dùng vũ khí kết hợp cùng một gã da đỏ “tưng tửng” với một quá khứ bí ẩn, cuộc phiêu lưu của họ hứa hẹn đầy bão táp và cũng là sự khởi đầu cho một huyền thoại.
Về mặt hình ảnh, âm thanh hay kỹ xảo thì thật khó để có thể chê được The Lone Ranger. Đạo diễn Gore Verbinski được Disney cấp số vốn đầu tư khổng lồ (dao động từ 225 tới 250 triệu USD) để hoàn thành bom tấn này nên các cảnh quay đều vô cùng sắc nét, bao trọn vẻ rộng lớn của hoang mạc miền Tây mà chưa cần tới hiệu ứng 3D. Phần nhạc phim do nhà soạn nhạc lừng danh Hans Zimmer đảm nhiệm và gây ấn tượng cho người xem từ những giai điệu đầu tiên cho tới khi những dòng credit cuối cùng hiện lên.
"The Lone Ranger" có nhiều cảnh quay được dàn dựng công phu. Ảnh: Disney.
Tuy vậy, cũng chính kinh phí trên khiến The Lone Ranger “khó sống”. Các chuyên gia điện ảnh Mỹ tính toán rằng Disney có thể lỗ tới 150 triệu USD vì dự án này và trở thành “John Carter của năm 2013” (năm ngoái, tác phẩm trên đã khiến Disney thất thu 200 triệu USD). Lý do là vì trong tuần đầu ra mắt, The Lone Ranger chỉ mang về gần 30 triệu USD tại Mỹ trong khi theo tờ New York Times thì nếu tính cả phí ăn chia với các nhà phát hành và tiền marketing thì bộ phim phải đạt mốc 800 triệu USD mới có thể hòa vốn.
Có nhiều nguyên nhân khác có thể khiến The Lone Ranger thất thu, như đề tài miền viễn Tây chưa bao giờ thực sự ăn khách trong mùa phim hè (các bài học quá khứ từ Wild Wild West, Cowboys & Aliens), nhân vật The Lone Ranger quá xa lạ với khán giả hiện đại và sự thiếu đổi mới từ đoàn phim, tiêu biểu là Johnny Depp trong vai Tonto.
Anh vẫn khiến khán giả thích thú mỗi khi Tonto xuất hiện, với ngoại hình lập dị (đội một con quạ chết trên đầu), các câu thoại hài hước, điệu bộ gương mặt đầy biểu cảm và những trò đổi chác của thổ dân đầy thú vị. Nhưng có điều với các fan ruột của Depp thì Tonto chẳng khác mấy so với vai diễn thuyền trưởng Jack Sparrow trước đây, từ phong thái “tưng tửng” cho tới dáng đi kỳ quái. Nhưng ngay cả khi không có đột phá, Depp vẫn là điểm sáng của phim và đây lại là một nhược điểm khác, khi anh che mờ cả nhân vật trung tâm Lone Ranger của Armier Hammer. Đây là vai diễn bom tấn đầu tiên của chàng diễn viên 26 tuổi nhưng cá tính nhân vật khá nhạt nhòa cùng việc bị đặt cạnh Depp với những hiệu ứng kỹ xảo khiến anh không thể hiện được mình.
Khi mà nhân vật chủ đề còn thiếu dấu ấn như vậy thì các nhân vật phụ như tú bà Red (Helena Bonham Carter), người chị dâu Rebecca hay cả kẻ phản diện Cavendish không để lại nhiều ấn tượng cũng là điều dễ hiểu. Thời lượng của bộ phim kéo dài gần ba tiếng nhưng đôi lúc khá rời rạc với mạch phim chậm, tạo cảm giác tương đối lê thê. Dường như Verbinski hơi tham lam khi trong một tác phẩm vừa muốn giới thiệu Lone Ranger một cách ấn tượng, vừa muốn làm nổi bật Tonto lại vừa khát khao lồng vào câu chuyện về những quan chức tham nhũng, những tay du côn coi thường pháp luật.
Vai Tonto của Johnny Depp gợi nhớ nhiều tới thuyền trưởng Jack Sparrow trong "Cướp biển Caribbe". Ảnh: Disney.
Đổi lại, khoảng 20 phút cuối cùng của The Lone Ranger thực sự đem lại sự giải trí cho khán giả với các pha hành động, rượt đuổi vừa hấp dẫn lại vừa vui nhộn trong nền nhạc rộn rã của Hans Zimmer. Đó mới là những gì người xem cần, tiếc rằng con đường dẫn đến đó mất tương đối nhiều thời gian.
Số vốn khổng lồ khiến The Lone Ranger bị soi xét và không thể đánh bại bộ phim hoạt hình vui nhộn Despicable Me 2 tại phòng vé tuần đầu. Nếu rút bớt thời lượng và đem tới cho nhân vật chính nhiều khoảnh khắc ấn tượng hơn thì có lẽ bộ phim sẽ cuốn hút hơn nhiều. Dù sao, đây vẫn là một tác phẩm giải trí tốt và đáng xem đối với người hâm mộ thể loại phim viễn Tây, kỹ xảo hay đơn giản là những ai mến mộ diễn viên Johnny Depp.
TRAILER
BEHIND THE SCENES