Quản giáo Paul Edgecomb (Tom Hanks) từng làm việc tại Trại tử tù thuộc Trại cải tạo Cold Mountain của Nhà lao phía Nam. Giờ đây, ông ngồi kể lại những chuyện kỳ lạ đã xảy ra từ hồi ông còn đương chức với bà bạn già của mình.
Đó là năm 1935, thời kỳ diễn ra cuộc Đại suy thoái ở Mỹ, tại Trại của Paul xuất hiện một người tù khác thường John Coffey (Michael Clarke Duncan). Anh ta rất cao lớn, da đen, vẻ ngoài chậm chạp hơi có chút đần độn. Nhưng John lại có những năng lực rất kỳ lạ và bí ẩn, đó là khả năng chữa bệnh và hồi sinh cho sinh vật sống trên thế gian. Người ta buộc tội anh đã cưỡng hiếp và sát hại hai cô bé 9 tuổi và chờ đợi một bản án nghiêm khắc dành cho John tại chốn lao ngục này. Tuy nhiên, con mắt nghề nghiệp của Paul lại nhìn ra sự tốt bụng hiền lành ở anh ta. John không có vẻ gì của một kẻ giết người điên loạn, anh ta thậm chí còn sợ bóng tối. Dần dần Paul còn phát hiện ra ở John không chỉ có sự hiền lành chân thật mà còn ẩn chứa lòng nhân ái bao la của Chúa. Anh muốn giải thoát cho John, giải thoát cho những gì tốt đẹp còn lại trên đời khỏi cái trại tối tăm luôn đợi chờ cái chết.
Dường như ở Trại tử tù của Paul có một xã hội thu nhỏ, cũng có cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái xấu và cái tốt và giữa sự công bằng và phi lý. Chỉ là những cái chết với ghế điện nhưng người xem ngẫm ra được nhiều điều khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây. Vấn đề nhân bản được đề cập đến khá sâu sắc, ấy là chuyện “trông mặt mà bắt hình dong”, người ta thấy John xấu xí, đần độn thì mặc nhiên coi anh ta là tội phạm dù chưa đủ chứng cớ để kết luận, còn Percy Whetmore (Doug Hutchison) thì cậy quan hệ này nọ với ông to bà lớn mà lên mặt cửa quyền, ai cũng vì sợ mất việc nên không dám làm phật lòng hắn.
Đây quả là một bộ phim cảm động rất đáng xem. Nhiều khán giả đã rơi lệ khi John Coffey chấp nhận cái chết vì anh quá mệt mỏi với những gì mắt thấy tai nghe trên thế gian này. Và Paul đã phải chịu sự trừng phạt khi dám để đại diện của Chúa ra đi. Hình phạt dành cho ông là một cuộc sống gần như bất tử để ông phải chứng kiến sự ra đi hết thảy của những người thân yêu. Quả là đau buồn biết bao! Kẻ duy nhất đồng hành với Paul trên con đường dài dường như vô tận này chỉ là chú chuột đã 64 tuổi Mr. Jingles, nó sống lâu gấp 9 lần so với tuổi đời của một chú chuột thật sau khi được John dùng phép thuật hồi sinh.
The Green Mile vượt lên hàng đầu nhóm những bộ phim siêu nhiên với một cốt truyện cảm động và dàn diễn viên xuất sắc. Diễn xuất của Tom Hanks thì miễn chê khi vào vai một ông quản giáo nghiêm khắc với bộ trang phục thẳng thớm dù thực tế thời đó người ta không dùng đồng phục. Còn Michael Clarke Duncan thì trông cao hơn hẳn Brutal Howell (David Morse) dù chiều cao của hai người chỉ chênh lệch có 1 inch. Nhờ những góc quay sáng tạo mà John Coffey trông đúng là người ngoại cỡ khi đi bên cạnh Brutal.
Stephen King, tác giả của cuốn tiểu thuyết The Green Mile, đã chọn tên nhân vật chính John Coffey khi một lần tình cờ gặp giáo sư Rev. John Coffee dạy môn lịch sử tại đại học Emerson ở Boston Massachusetts. Stephen đã rất thích tên của ông giáo sư và dùng đặt cho nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Ngoài ra, để có được những cảm giác chân thật nhất khi sáng tác, ông còn đề nghị được tạm giam thử trong nhà ngục Old Sparky, nơi quay cảnh trại tử tù, ông đã thấy thực sự khó chịu và muốn được “phóng thích” ngay.
Trailer