‘Amour’ - đơn giản là tình yêu
Một bộ phim mang đến sự day dứt mãnh liệt, nỗi ám ảnh dữ dội và câu chuyện tình mà không ai có thể quên được.
Đạo diễn người Áo, Michael Haneke, vốn nổi tiếng là một nhà làm phim cực đoan, luôn đem cái nhìn thô ráp về cuộc sống vào những tác phẩm của mình và để lại những trải nghiệm gây sốc cho khán giả. Bạo lực, cái chết và sự cay nghiệt – đó là những yếu tố không thể thiếu trong phong cách làm phim của Michael Haneke. Với Amour – tác phẩm có đề tài về tình yêu, những yếu tố này vẫn hiện hữu nhưng theo một cách dịu dàng, lạc quan hơn và tạo nên một bước đột phá lớn cho vị đạo diễn người Áo. Tại LHP quốc tế Cannes (Pháp) hồi tháng 5 năm nay, tác phẩm này đã đem về Cành Cọ Vàng thứ hai cho Haneke, sau The White Ribbon hồi năm 2009.
Phim là câu chuyện về một cặp vợ chồng lớn tuổi, Georges và Anne, từng là giáo viên dạy nhạc. Cả hai sống hạnh phúc trong một ngôi nhà ấm cúng ở Paris, Pháp. Họ có một cô con gái cũng theo nghề cha mẹ nhưng sống ở nước ngoài. Đến một ngày, cơn đột quỵ khiến Anne bị liệt nửa người bên phải. Mọi hoạt động sinh hoạt thường ngày của bà giờ bị chi phối bởi Georges. Đã chung sống với nhau hàng chục năm, tình yêu của họ một lần nữa bị thử thách bởi trách nhiệm, bệnh tật, sự hy sinh và thời gian…
Ngay từ cảnh mở đầu phim, Michael Haneke đã bộc lộ rõ sở thích gây sốc cho khán giả. Cảnh sát ùa vào một căn hộ. Một căn phòng dán băng dính kín mít. Một xác chết nằm trên giường… Những hình ảnh đầu tiên của Amour khơi gợi sự tò mò, sau đó lại đem tới những bất ngờ khác. Dù đã tầm ngoài 80 tuổi, Anne và Georges vẫn trao cho nhau những lời nói có cánh như những cặp vợ chồng son. Thời gian có thể khiến họ già đi nhưng không thể bắt tình yêu của hai người giáo viên dạy nhạc đã về hưu cũng phải già theo.
Amour có 100% bối cảnh nội và 98% cảnh quay xảy ra trong ngôi nhà mà Anne và Georges sinh sống. Phim không sử dụng nhiều cú lia theo nhân vật mà đa phần để máy tĩnh tại một góc, nhân vật tự đi vào khuôn hình, chuyển động trong khuôn hình, đi khỏi khuôn hình, cất tiếng nói hướng vào khuôn hình. Sự “tĩnh” này còn được thể hiện ở cảnh hai vợ chồng Anne và Georges đi xem hòa nhạc của người học trò cũ. Máy quay đặt tĩnh và điểm thẳng vào hàng ghế khán giả trong phim, trực diện với khán giả đang theo dõi bộ phim.
Vì hai nhân vật chính đều là người già nên chuyển động của họ rất chậm rãi, từ từ dẫn đến ngôn ngữ điện ảnh thể hiện cũng rất từ từ, chậm chạp, thậm chí còn tạo nên sự sốt ruột cho những người xem khó tính. Tuy nhiên, cách dựng của Amour lại khiến cho khán giả như hòa vào câu chuyện phim, khó có thể rời mắt khỏi đôi vợ chồng già. Michael Haneke còn tinh tế tới mức chọn đúng vào khoảnh khắc mà nhiều người xem bắt đầu đu đưa, ngà ngà theo không khí đều đều để giật một pha gây sốc.
Giấc mơ của Georges, tưởng như không liên quan tới chuyện phim nhưng thực ra lại kết nối tới đoạn gần kết, đúng nghĩa là một “cái tát” buộc những ai đang ngủ gật phải vội vàng bừng tỉnh. Dù là chủ đề tình yêu nhưng sự cay nghiệt, hơi hướng bạo lực ở Michael Haneke vẫn được thể hiện trong phim. Những cảnh tĩnh chậm rãi, những đoạn thoại rất dài nhưng thấp thoáng trong mỗi khuôn hình, người xem vẫn cảm nhận được sự hoang mang, căng thẳng đến tột độ và những cái mạnh mẽ, mãnh liệt đang rình rập phía sau. Sự cực đoan trong phong cách của đạo diễn người Áo là thứ khó có thể thay thế và khán giả buộc phải đi theo nó.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm Cành Cọ Vàng này còn là việc không sử dụng nhạc nền. Phim mở đầu bằng sự câm lặng, kết thúc cũng là những tĩnh âm. Có chăng chỉ là một vài bản nhạc cổ điển điểm xuyết ở giữa phim. Ý tưởng không dùng âm nhạc để đưa đẩy cảm xúc dường như khiến cho thính giác của khán giả nhạy bén hơn khi cảm nhận về cuộc sống đều đều, bình lặng, yên ả trong căn hộ nhỏ giữa lòng thủ đô Paris của nước Pháp.
Ở Amour, Michael Haneke khai thác chủ đề tình yêu với một câu chuyện không hề phức tạp, cũng chẳng lớn lao gì mà vô cùng đơn sơ, giản dị như chính một mảnh ghép trong cuộc đời mà ai rồi cũng sẽ trải qua. Hai nhân vật trong phim cũng là hình mẫu thuộc về số đông – những nhà giáo về hưu sống cuộc sống bình dị, không dư dả tiền nong nhưng cũng chẳng đến mức túng thiếu. Việc sinh hoạt thường ngày của họ với những tình huống hoàn toàn xảy ra ở ngoài đời được đưa lên màn ảnh rộng một cách chân thực nhất, từ việc đi vệ sinh, đánh răng, cạo râu, rửa bát, ăn uống, tắm táp…
Georges và Anne cứ lặp đi lặp lại những việc quen thuộc như vậy cho đến một ngày, sự riệu rã của tuổi già khiến người vợ trở thành một gánh nặng. Anne phải ngồi xe lăn, chỉ sử dụng được một tay, không thể dùng dao cắt thức ăn, rồi dần dần mất đi nhận thức, trí nhớ, nằm liệt trên giường với ánh mắt đờ đẫn… Cuộc sống là một vòng luân hồi và khi về già, con người lại trở thành những đứa trẻ - dễ tự ái, hay giận dỗi, thậm chí là còn nhõng nhẽo. Anne luôn xù lông khi bà nghĩ tới việc mình trở thành gánh nặng cho Georges hay nhận thấy ánh nhìn, sự thương hại của người học trò cũ, người con gái.
Georges, dù tuổi già cũng khiến ông trở nên chậm chạp hơn, cực nhọc hơn, nhưng vẫn ngày ngày chăm sóc, ân cần bên người vợ thân yêu. Ông dìu vợ từng bước thật chậm ngồi lên chiếc ghế, ôm chặt và cực nhọc, run rẩy đưa vợ đi từ phòng này sang phòng kia. Nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát của Georges. Đôi khi ông tỏ ra lúng túng, băn khoăn về “nghĩa vụ” này nhưng trên hết, tất cả vẫn đi theo bản năng của tự nhiên – như nó vốn thế. Georges không muốn đưa vợ vào bệnh viện hay một trại dưỡng lão nào đó. Sự héo mòn trong ông ngày một dâng cao nhưng vẫn không thể lớn bằng tình yêu.
Hai diễn viên chính trong phim – Jean-Louis Trintignant (vai Georges) và Emmanuelle Riva (vai Anne) – có phần thể hiện xứng đáng với hai từ “kinh ngạc”. Cả hai diễn như không diễn, từng ánh mắt, cử chỉ đều có một sức lay động dữ dội. Qua đôi mắt của Jean khi vào vai người chồng, người xem có thể thấy sự sợ hãi, giận dữ, tuyệt vọng, cô đơn, buồn bã, hạnh phúc. Còn với Emmanuelle, sự chuyển biến tâm lý đầy phức tạp của người vợ qua diễn xuất của bà thực sự khiến khán giả phải ngả mũ thán phục.
Ngoài hai nhân vật chính, Amour còn có rất nhiều nhân vật phụ, từ người con gái của cặp vợ chồng ở nước ngoài, cậu học trò cũ nay trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, người quét dọn, người hàng xóm tốt bụng, các cô y tá cho tới cả một chú chim bồ câu bay lạc. Tất cả đều đến rồi đi, chỉ còn lại tình yêu của hai con người già cỗi mãi mãi ở lại trong ngôi nhà.
“Tình yêu”, hai từ luôn gợi đến sự ngọt ngào, nồng nàn, lãng mạn như những ánh nhìn trìu mến, những nụ hôn say đắm, những câu nói yêu thương… và cả quan niệm muôn thuở: “Tình yêu vượt lên trên tất cả”. Đã có quá nhiều bộ phim, đặc biệt là phim tình cảm Hollywood, minh chứng cho điều này. Michael Haneke hoàn toàn không phủ nhận hay hoài nghi gì thông điệp đó – thể hiện trong câu chuyện của Amour. Nhưng đối với ông, dưới góc nhìn điện ảnh, tình yêu là sự cộng hưởng của mọi thứ trong cuộc đời: sự sống – cái chết, sự dịu dàng – vẻ thô ráp, giản đơn – phức tạp, tâm hồn – thể xác, ngọt ngào – cay đắng, khiếm khuyết – hoàn hảo, mạnh mẽ - yếu đuối và cả bạo lực. Tình yêu không thể định nghĩa hay gọi tên mà chỉ có thể cảm nhận một cách đơn giản – yêu là yêu.
TRAILER