IMDb : 6.5/10
The Jungle Book - Quyến rũ, khốc liệt và đầy lôi cuốn
Kỹ xảo tuyệt diệu, tình tiết lôi cuốn cùng những nhân vật thật đến kinh ngạc, Disney sẽ khiến bạn không thể rời mắt suốt chuyến phiêu lưu hấp dẫn mang tên "The Jungle Book".
Phiên bản live-action của The Jungle Book (Cậu Bé Rừng Xanh) được xây dựng đầy thuyết phục, dựa theo câu chuyện vượt thời gian của Rudyard Kipling và nguồn cảm hứng từ bộ phim hoạt hình cùng tên được xếp vào hàng kinh điển. Tất cả những gì xảy ra trên màn ảnh trong suốt 111 phút đã thể hiện đúng tinh thần mà đạo diễn Jon Favreau từng tuyên bố khi bắt tay vào dự án: "Chúng tôi giữ nguyên những yếu tố thần bí mà Kipling đã viết, thổi chúng vào mọi khía cạnh của bộ phim một cách mạnh dạn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn kế thừa những gì được yêu quý từ The Jungle Book hoạt hình năm 1967, và tất nhiên là cả những chi tiết mang đậm phong cách Disney".
The Jungle Book mở đầu bằng cuộc tập rượt của bầy sói con, trong đó có cả cậu bé Mowgli, nhằm thoát khỏi móng vuốt của kẻ săn mồi to lớn hơn. Như mọi lần, Mowgli là "sói con" duy nhất bị tóm. Những cư dân của rừng già đã sớm cảnh báo rằng cậu sẽ không thể sinh tồn ở nơi này vì Mowli là con người, không có điểm chung với tất cả những động vật còn lại. Sau đó, con hổ hung dữ nhất khu rừng - Shere Khan xuất hiện, đe dọa sẽ giết chết cậu bé vì mối thâm thù của hắn với loài người. Mowgli buộc phải dấn thân vào hành trình rời khỏi rừng già cùng người dẫn đường là báo đen Bagheera. Trong chuyến hành trình của mình, Mowgli gặp những kẻ xấu như cô trăn thôi miên Kaa, vua khỉ đột Louie, nhưng cũng quen thêm được người bạn tốt bụng là "ông" gấu lạc quan Baloo. Cuối cùng, cậu vẫn phải đối mặt với kẻ thù đáng sợ nhất của nơi mình từng gọi là "nhà" và phải tự quyết định số phận của bản thân.
Bầy sói – "gia đình" của Mowgli
Báo đen Bagheera, người đã nhặt Mowgli về cho bầy sói nuôi dưỡng, cũng là người tình nguyện đưa cậu ra khỏi rừng già
Mặc dù dựa trên một cốt truyện quen thuộc, nhưng cách dẫn dắt tình tiết và xử lý câu thoại đã khiến người xem thừa nhận sự độc lập của tác phẩm này, thay vì gán mác "làm lại từ phiên bản hoạt hình". Các nhà làm phim đã thay đổi một số điểm cơ bản trong mạch truyện, điển hình là lý do khiến Mowgli rời khỏi ngôi nhà thiên nhiên.
Ở bộ phim hoạt hình, Disney đã để Mowgli tự nguyện ra đi vì "cảm nắng" một cô bé dễ thương, chứ không phải vì sự trả thù của hổ Shere Khan. Thế nhưng, những gì phiên bản live-action làm mới thực sự trung thành với nguyên tác truyện cũng như ý đồ của Kipling: Rừng già là nơi nguy hiểm. Không đứa trẻ nào nên ở trong rừng. Đạo diễn Jon Favreau vẫn luôn tự tin vào quyết định thay đổi này: "Tôi cũng là một ông bố, tôi sẽ thấy vô cùng biết ơn nếu có một bộ phim vừa đúng đắn lại vừa không quá giáo điều với lũ trẻ. Các khán giả nhí luôn có khả năng bắt nhịp những câu chuyện phức tạp. Xây dựng một câu chuyện như vậy cũng giúp khán giả nhiều lứa tuổi có thể cùng ngồi bên nhau để thưởng thức bộ phim".
Cũng chính những thay đổi mạnh dạn trong cốt truyện đã trở thành tiền đề cho việc xây dựng các pha hành động kịch tính, những màn rượt đuổi sôi sục mang đậm dấu ấn điện ảnh đương đại. Những ai đang trông chờ một chuyến phiêu lưu ngập tràn giây phút "muốn rụng tim" sẽ hoàn toàn được thỏa mãn. Trên cây, dưới đất, cheo leo trên vách núi hay giữa dòng thác đang chảy xiết, cậu bé Mowgli đều có thể chiếm trọn sự tập trung của bạn. Những phân cảnh "giễu võ" của hổ Shere Khan; màn "tam kiếm hợp bích" của bộ ba Bagheera, Baloo, Mowgli trong hang ổ của vua Louie; phân cảnh cao trào kết thúc hận thù giữa biển lửa, là ba điểm nhấn hành động đáng chú ý trong The Jungle Book.
Mowgli trên đường chạy trốn khỏi Shere Khan
Gấu Baloo chiến đấu với loài khỉ để cứu Mowgli
Hành động mạnh mẽ, truy đuổi nghẹt thở, nhưng bộ phim vẫn không thiếu các chi tiết thông minh, các tình huống hài hước và đậm tính nhân văn cộp mác Disney. Từ khi Mowgli gặp Baloo, một cái nhìn khác về cuộc sống trong rừng già đã mở ra trước mắt cậu. "Đừng làm mọi việc theo cách của sói. Hãy làm mọi việc theo cách của cậu, Mowgli!", "Họ muốn đưa cậu về làng của loài người hả? Ta nói, cậu có thể là con người ngay trong khu rừng này". Bạn sẽ không ngừng bật cười trước những màn "hợp tác" của gấu Baloo và Mowgli, sẽ thầm hát theo những giai điệu vui tươi của "The Bare Necessity" được phối lại theo phong cách Jazz đầy ngẫu hứng, và không khỏi trầm trồ trước những "mánh lới" cực thông minh của một cậu bé lớn lên với lời "tuyên truyền" cứng nhắc của bầy thú săn mồi.
Hình ảnh huyền thoại của The Jungle Book
Mowgli cúi đầu khóc trước khi lìa xa Sói mẹ
Góp 70% vào thành công của một bộ phim chỉ có duy nhất 1 diễn viên người thật đóng trước tấm phông xanh, không gì khác ngoài yếu tố kỹ xảo và công nghệ vi tính. Ngay từ những khuôn hình đầu tiên, bạn có thể cảm thấy "thật không thể tin nổi" khi tất cả những gì trên màn ảnh đều là sản phẩm của máy móc. Muông thú trong rừng đều được tạo nên từ công nghệ CGI, từ sợi lông tới những cử động nhỏ đều hết sức chân thực. Gây ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là nhân vật hổ Shere Khan. Khuôn mặt thù hận mang vết bỏng vì Lửa cùng vẻ xảo quyệt, dữ tợn sẽ nhiều phen khiến bạn phải rùng mình.
Ngược lại, một số sinh vật nhỏ bé trong vai các cư dân hiền lành, những "hàng xóm" nhiều chuyện cũng được khắc họa sống động. Đặc biệt hơn cả, toàn cảnh khu rừng nhiệt đới của Ấn Độ với đủ sắc thái từ nguy hiểm, huyền bí tới xanh tươi, thân thiện đều chính xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết: những cành cây, những chiếc lá rụng cho tới những nhành hoa dại len lỏi trong mọi ngóc ngách. Bản thân khu rừng đã trở thành một sinh vật có vai trò quan trọng nhất của bộ phim. Và nếu chiêm ngưỡng The Jungle Book với định dạng 3D hay IMAX 3D, bạn sẽ càng có cảm giác mình đang đặt chân vào không gian đó, chạm tay vào các thân cây hay tảng đá ở nơi thiên nhiên hoang dã này.
với những loài vật được xây dựng bằng CGI chân thực đến khó tin
Diễn viên nhí lần đầu "chạm ngõ" điện ảnh Neel Sethi đã có màn trình diễn ngoạn mục, đặc biệt khi cậu bé hoàn toàn không có những "diễn viên" gấu, báo, sói hay hổ đồng hành trong quá trình quay. Dàn tên tuổi lồng tiếng cho The Jungle Book cũng đã hoàn thành tròn trịa vai trò của mình. Phiên bản lồng tiếng Việt với sự góp giọng của NSƯT Thành Lộc, Vân Trang, bé Ben cũng đạt chất lượng tốt, tuy các bài hát trong phim có phần hơi gượng ép khi chuyển phần lời sang tiếng Việt.
Một số ý kiến cho rằng Cậu Bé Rừng Xanh phiên bản live-action có phần hơi đen tối so với thể loại phim dành cho trẻ em. Nhưng với những ai luôn mong "truyện cổ tích" lớn lên cùng mình, thì tác phẩm của đạo diễn Jon Favreau đã làm được điều đó. Câu chuyện kinh điển năm nào hiện hữu với đầy đủ sự kịch tính, lôi cuốn, sâu sắc và cảm xúc – hứa hẹn sẽ là hành trình thú vị dành cho khán giả ở mọi lứa tuổi.