Khi Hy Vọng Tắt Dần....Buried (Chôn Sống)
Một Trong Những Phim Sinh Tồn Đáng Xem Nhất ..!!
IMDb : 7.1/10
Đúng như cái tên của bộ phim, Buried hoàn toàn là cảnh tượng của một người đàn ông bị chôn sống theo đúng nghĩa. Bộ phim được thể hiện dưới một hình thức kì lạ và đem lại nỗi ám ảnh vô cùng mạnh mẽ đối với người xem: đó là câu chuyện về một người đàn ông Mỹ bị chôn sống trong một chiếc quan tài.
Không có bất kỳ một ngoại cảnh nào, toàn bộ hơn 120’ phim hoàn toàn là không gian chật hẹp trong chiếc quan tài gỗ chôn dưới mặt đất cùng sự vật lộn đấu tranh sống – còn, hy vọng và tuyệt vọng của nhân vật chính trong phim.
Nghe và xem ngay từ phần giới thiệu phim, âm nhạc và hình ảnh có thể giúp bạn hình dung phần nào không khí của câu chuyện. Bạn chờ đợi một âm thanh, một hình ảnh khi một bộ phim bắt đầu. Nhưng bạn chờ đợi, và trước mắt chỉ có một màu đen, không một âm thanh, không một hình ảnh. Bạn căng thẳng và tiếp tục chờ đợi, và sốt ruột, và lo sợ. Hơn 1’ phim Buried đã mở đầu trong bóng tối và im lặng một cách khủng khiếp như thế. Càng đi sâu về cuối phim, bạn càng nhận ra rằng, sự thật khủng khiếp vẫn còn nằm ở phía sau, trong bóng tối và ngọn sáng dập dờn của chiếc bật lửa Zippo; trong cái ánh xanh xám hắt ra từ chiếc điện thoại di động đang dần cạn kiệt pin và đứt sóng.
Buried là một bi kịch chua chát và thê thảm về số phận con người. Paul – một lái xe tải ở Iraq bị chôn sống trong chiếc quan tài, đã tìm đủ mọi cách để có thể thoát ra ngoài nhưng bất lực. Hy vọng duy nhất của anh đều thông qua chiếc điện thoại di động, qua nó kết nối với bên ngoài và phát đi lời kêu cứu. Vợ anh không nghe máy.
Một người bạn bận đi siêu thị. Những người lãnh đạo từ công ty tới bộ máy chính quyền hoặc đi vắng, hoặc thăm dò và buộc anh đảm bảo giữ kín chuyện bị bắt cóc. Không ai lắng nghe sự hoảng loạn và nỗi tuyệt vọng của anh. Những người anh gọi đến, những số điện thoại được viết ra. Nhưng chữ HELP cùng dấu hỏi chấm đã bị gạch ngang – như một ký hiệu của sự tuyệt vọng, không thể được cứu giúp. Dù số tiền chuộc 5 triệu đô đã được giảm xuống còn 1 triệu đô, dù một người phụ nữ hai con bị bắt cóc đã phát đi 3 video cầu xin sự giúp đỡ nhưng không một câu trả lời đã bị bắn chết, dù những cuộc kiếm tìm của đội giải cứu con tin vẫn diễn ra, dù một trong những kẻ bắt cóc đã khai hắn biết chỗ 1 người Mỹ bị chôn sống… thì cát vẫn chảy ào ạt xuống chiếc quan tài và chôn sống gã đàn ông người Mỹ đang nằm trong đó. Đến những phút cuối cùng của cuộc sống, Paul nhận ra rằng mọi sự hỗ trợ, những lời động viên anh chỉ là giả dối.
Giám đốc nhân sự công ty anh làm việc gọi điện cho Paul chỉ bởi một việc cần phải thông báo và ghi âm lại để đảm bảo trách nhiệm của công ty: Paul không còn là nhân viên của hãng khi bị bắt cóc nữa, và do đó bảo hiểm xã hội của Paul cũng không được chi trả.
Những giọng nói vang lên trong trí óc của Paul, chúng nhào trộn và xoáy tròn… hài hước và chua chát bởi một sự thực rằng không một ai quan tâm tới mạng sống của anh, và cái chết của anh thực sự vô nghĩa bởi nó thậm chí còn không thể đem lại tiền bảo hiểm cho vợ con Paul
Buried còn đem đến một sự thật về chiến tranh và con người. Iraqkhông phải là đất nước của những kẻ khủng bố. Nhưng đất nước Iraq đã bị hủy diệt, và những người dân Iraq cũng bị biến thành những kẻ điên cuồng vì mất mát. Paul không phải là lính, nhưng là người Mỹ trên đất Iraq, và chỉ điều đó thôi cũng biến anh trong mắt người Iraq thành lính Mỹ – “đến xây dựng lại những gì các người đã phá hủy”. Không xuất hiện bất cứ gương mặt nào của những kẻ bắt cóc Paul, nhưng giọng nói qua điện thoại có thể vẽ nên chân dung của bất kỳ một người dân Iraq nào – những người mà người thân trong gia đình bị một cuộc chiến đơn phương giết chết, cuộc sống bị đẩy vào bước đường cùng cho dù họ là những người vô tội. Nỗi tuyệt vọng đẩy những người lương thiện nhất thành những kẻ điên cuồng đáng sợ. Đó có thế là bắt cóc tống tiền, là bắn thẳng vào đầu một người phụ nữ, là chôn sống kẻ khác với những yêu cầu phi nhân tính. Kẻ tội phạm, xét cho cùng cũng chỉ là những nạn nhân.
Buried hồi hộp và ám ảnh cho đến phút cuối cùng. Mọi hy vọng của Paul đã sụp đổ ngay sau giây phút ngập tràn hy vọng được cứu sống. Mở đầu phim là một khoảng lặng ớn lạnh trong bóng tối. Phần giữa phim cũng là một khoảng lặng đáng sợ như thế, không một chút ánh sáng. Có khác chăng là tiếng thở: thay cho tiếng hổn hển hoảng loạn và ho khan khi mới tỉnh dậy trong bóng tối, là tiếng thở nhẹ hơn, trầm tĩnh hơn, song cũng tuyệt vọng hơn. Trong bóng tối, mọi âm thanh vang lên đều đem lại tiếng vọng và cảm nhận rõ ràng, tạo nên một ấn tượng rất mạnh về sự vô vọng. Bối cảnh hẹp, chìm trong bóng tối càng khiến cho bộ phim mang không khí ngột ngạt và căng thẳng. Kịch tính không ngừng được đẩy lên cao, vòng quay hy vọng – thất vọng càng lúc càng nhanh, đẩy không khí phim vào sự bế tắc không lối thoát.
Khác hẳn với những bộ phim Hollywood kiểu mẫu, những bộ phim thảm họa hay kinh dị quen thuộc, Buried không có hy vọng, không có sống sót. Hai trường đoạn đầu và giữa của phim khiến chúng ta liên tưởng tới những cái kết trong phim của Antonnio, khi cú máy lùi ra rất xa nhân vật, khiến nhân vật như bị co lại, bị giam hãm và cuối cùng là biến mất. Chiếc quan tài giam giữ và giết chết hy vọng của Paul. Và chính chiếc quan tài ấy bị bao bọc bởi bóng tối của đất, của sự chết chóc. Buried tạo sự hồi hộp cao độ khi không ngừng tạo nên hy vọng cho nhân vật khi sau mỗi lần thất vọng, anh ta đều bấu víu vào một hy vọng khác. Đã có một lần Paul nhìn thấy ánh sáng chói loài, tiếng người lao xao… nhưng đó chỉ là chút ảo tượng về hòn đảo xanh mướt của kẻ lữ hành sắp chết khát trên sa mạc. Sự chờ đợi dường như đã vỡ òa khi Paul nhận đc điện thoại báo đội giải cứu đang đến rất gần nơi anh bị chôn sống. Nhưng thay cho tiếng thở phào nhẹ nhõm mà chúng ta trông đợi sau mỗi cuộc giải cứu trong các bộ phim, cái kết của Buried khiến người xem sững sờ, chết lặng như chính nhân vật: Đội giải cứu tìm thấy một người Mỹ bị chôn sống nằm trong một- chiếc -quan – tài – khác, không phải là Paul. Lời hứa quay trở về nhà với vợ vĩnh viễn bị chôn sống.
Không có một cảnh chém giết nào, không có một nụ hôn nào trong Buried. Chỉ có máu và bóng tối. Những cảnh quay hẹp, hầu hết là trung cận và cận vào gương mặt của nhân vật cùng những chuyển động bức bối liên tục. Trong sự chiếu sáng đứt quãng và phập phù của những vật dụng, là nhịp điệu và hình ảnh phập phồng của yết hầu – nơi rung động mạnh mẽ nhất nhịp thở của con người, của những vỡ loét của vết thương trên gương mặt Paul. Những khuôn hình đặc tả gương mặt, đặc biệt là đôi mắt vẫn đang mở to của Paul, khi một giọt nước lặng lẽ chảy xuống phía đuôi mắt, trong sự im lặng đến ngạt thở và tối đen của chiếc quan tài thực sự là những khoảng lặng bi đát.
Cho dù có những chi tiết nhỏ và có phần không hợp lý như sự xuất hiện của con rắn và chai rượu nhỏ lại có vẻ chứa được quá nhiều rượu… khiến cho kịch tính trong trường đoạn này “chưa tới”, thì Bried vẫn đậm đặc không khí ngột ngạt, căng thẳng, chờ đợi và kết thúc bi đát. Cùng với diễn xuất tuyệt vời của Ryan Reynolds, Bried vẫn là một bộ phim để lại nhiều ám ảnh và suy nghĩ với người xem.