Có một công thức chung luôn đúng để tóm tắt ngắn gọn bất cứ một bộ phim siêu nhân nào: một nhóm thiếu niên được trao vào tay siêu năng lực để đảm đương sứ mệnh bảo vệ Trái Đất khỏi những thế lực hắc ám đến từ bên ngoài vũ trụ. Họ là những anh em siêu nhân với các sức mạnh riêng biệt tương ứng với các màu: đỏ - vàng - hồng - xanh dương - đen (đôi khi là trắng, hoặc xanh lá cây). Không chỉ chiến đấu tay đôi với lũ quái vật, đôi lúc (hoặc phần lớn thời gian) họ còn được trợ lực bởi những con robot khổng lồ có khả năng lắp ráp với nhau trở thành một siêu robot hình người…
Công thức tưởng chừng như đơn giản và sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán ấy đã sống sót qua hàng thập kỉ, chứng minh được sức hấp dẫn không thể chối từ của nó bằng sự lan truyền nhanh chóng từ “quê hương của các siêu nhân” - Nhật Bản tới Mĩ, và giờ đây, là trên toàn thế giới. “Siêu nhân” đã trở thành cái tên đại diện cho một giai đoạn mà bất kì đứa trẻ nào cũng phải trải qua trong đời mang tên “thơ ấu”.
Power Rangers bản 2017 còn được biết đến với cái tên Saban’s Power Rangers.
Giờ hãy tưởng tượng, bạn là nhà sản xuất và có trách nhiệm đưa dòng phim ấy quay trở lại với thời hoàng kim xưa cũ. Bạn sẽ làm gì? Chắc chắn sẽ là một phiên bản re-make. Nhưng câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào? Làm thế nào để nhen lại trong lòng những người trưởng thành - vốn ngày càng khó tính và mất đi niềm tin vào chân lí cái thiện luôn chiến thắng cái ác - niềm háo hức và sự thích thú dành cho các siêu nhân như kí ức của họ tuổi ấu thơ? Đáp án là, hãy cứ để những siêu nhân biến hình thành những người vận đồ bó màu xanh đỏ, hãy cứ để họ chiến đấu chống lại những thế lực xấu xa từ trên trời rơi xuống… nhưng cũng hãy để họ kể lại câu chuyện cuộc đời họ, khi họ chưa phải là những người sở hữu siêu năng lực.
Thân thế của các siêu nhân trong Power Rangers được hé lộ không hề chói sáng và hoàn hảo như những gì chúng ta vẫn thường thấy. Họ là những thiếu niên, vì một lí do nào đó mà đều chịu những thương tổn về tâm lí; thậm chí nơi họ gặp nhau lần đầu tiên cũng là một lớp học ngày cuối tuần dành cho những học sinh cá biệt: Jason (Siêu nhân Đỏ) rơi từ vị trí học sinh ưu tú xuống hố sâu của thất bại, Billy (Siêu nhân Xanh) là một thiếu niên mồ côi cha mắc phải một hội chứng tâm lí, Kimberly (Siêu nhân Hồng) bị phạt vì đã đấm cậu bạn trai trong ngày cuối cùng họ hẹn hò, Zack (Siêu nhân Đen) là một thiếu niên lông bông với nỗi ám ảnh về cái chết đã được báo trước của người mẹ cậu vô vàn thương yêu… Và cuối cùng, Trini (Siêu nhân Vàng) bị kẹt lại giữa ngã ba của những kì vọng của cha mẹ và con người thực của mình. Năm thiếu niên dường như không có điểm chung ấy chia sẻ với nhau cùng một thứ cảm giác - cảm giác lạc lõng của những kẻ bị cô lập khỏi cộng đồng của chính mình.
Đội thiếu-niên-cá-biệt của Power Rangers (2017) đã khiến bộ phim bị gắn mác PG-13, một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dòng phim.
Sự lạc lõng khiến năm thiếu niên chối bỏ cộng đồng xung quanh họ, nhưng cũng đồng thời hối thúc họ kiếm tìm và tự gây dựng nên một cộng đồng khác, cộng đồng của những người sẵn sàng cùng họ chia sẻ những bí mật đen tối nhất của bản thân mình, khiến họ cảm thấy bản thân có giá trị trong cuộc đời một ai đó khác. Cảm giác ấy là thứ đã hối thúc Billy bắt chuyện với Jason sau giờ học, là thứ đã khiến Kimberly sẵn sàng bỏ đi cùng Jason, khiến Zack trở thành một thằng con trai lông bông không mục đích, và khiến Trini luôn trong trạng thái chần chừ.
Những con người trẻ tuổi luôn có nhận thức rõ ràng rằng nhiệm vụ chính là thứ mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của bản thân họ.
Chẳng bởi thế, mà thay bằng những bài diễn văn dài lê thê về công lí và cái ác như “truyền thống” xưa nay vẫn phải vậy, lí do để những siêu nhân thế hệ mới này xứng đáng với sức mạnh họ được trao tặng, và thực sự trở thành những siêu nhân bảo vệ Trái Đất chỉ là bởi họ sẵn sàng từ bỏ mạng sống của bản thân để cứu lấy đồng đội của mình. Giống như cây lớn bắt đầu từ mầm nhỏ, nhận thức về trách nhiệm không thể bền vững nếu nó bắt đầu từ những thứ quá trừu tượng như “vì sự sống trên hành tinh này”.
Trở thành siêu nhân không chỉ là trách nhiệm, nó còn là lối thoát cho năm thiếu niên đang chật vật tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình.
Phần sự thật trần trụi được tiết lộ ấy khiến mạch phim Power Rangers có vẻ khá nặng nề trong nửa đầu, khi người xem mãi vẫn chưa thấy những “siêu nhân thực sự” xuất hiện. Nửa đầu ấy đôi lúc gợi cho khán giả nhớ đến Project Almanac (2015) - một bộ phim khoa học viễn tưởng pha li kì đã góp phần làm nên tên tuổi Dean Israelite - đạo diễn của Power Rangers. Cũng là một nhóm thiếu niên tò mò bước chân vào địa hạt của những điều chưa biết, bằng mọi cách trải nghiệm và khám phá nó mà không màng đến những hậu quả mà nó có thể gây ra. Nhưng đâu thể trách được những con người ấy, vì trí tò mò không chỉ gây ra tai hoạ, nó còn là món quà để con người tiếp tục tiến lên.
Sau khi đã sử dụng phần lớn thời gian của bộ phim như một “phòng điều áp” để khán giả trưởng thành từng bước “làm quen” trở lại với những thứ “con nít hoang đường”, đạo diễn và biên kịch đã đẩy bộ phim lên cao trào trong phút chốc, như một cú “shock điện” cho những tâm hồn vẫn đang lang thang giữa kí ức về bộ phim và kí ức của chính mình.
Bộ phim có cao trào, kịch tính được đẩy lên trong phút chốc.
Chính vì sự đợi chờ trong ngỡ ngàng và thấp thỏm ấy kéo dài quá lâu, mà khi bộ phim chuyển nhịp, và những siêu-nhân-mặc-giáp thực sự xuất hiện trong một cảnh phim khá cổ điển trên nền nhạc với đoạn intro huyền thoại “Go! Go! Power Rangers!”, khán giả đã như vỡ oà trong niềm hân hoan và vui sướng thuần khiết. Bộ phim chuyển nhịp, tung ra chuỗi các cảnh hành động chiến đấu liên hoàn - giữa một bên là siêu nhân, và bên kia là kẻ phản diện Rita Repulsa và con quái vật khổng lồ được đắp từ vàng ròng.
Chẳng ai còn quan tâm đến việc họ nghĩ mình đã quá tuổi để xem những phim kiểu này, hay những thứ đang diễn ra trên màn ảnh chỉ nhằm phục vụ cho lứa tuổi của con cháu họ… Chỉ còn một thứ cảm xúc duy nhất chi phối tất cả - hào hứng và đầy phấn khích khi được một lần nữa sống lại với những xúc cảm nguyên sơ khi thấy cái ác bị đẩy lùi, và công lí được lập lại.
Cuối cùng, sau bao đợi chờ, 5 anh em siêu nhân đã quay trở lại!
Nếu trong nửa đầu của bộ phim, Power Rangers khiến khán giả đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bằng việc kể lại câu chuyện về các siêu nhân theo chiều hướng của một bộ phim tâm lí pha chút viễn tưởng và rùng rợn, thì ở nửa sau của bộ phim, khi mạch phim đã phát triển ổn định theo hướng hành động viễn tưởng truyền thống, họ lại tiếp tục đưa người xem đến một bất ngờ tiếp theo - phần hình ảnh vô cùng trơn tru và mãn nhãn.
Trailer phim.
Sự nâng cấp về mặt hình ảnh này, tất nhiên là thành tựu của công nghệ và sự đầu tư ra tấm ra món về tiền bạc, nhưng xa hơn, nó còn thể hiện sự trưởng thành của chính bộ phim, hay dòng phim về các siêu nhân bảo vệ Trái Đất. Bắt đầu từ những nhân vật quái thú do người đóng đánh nhau giữa những khối nhà mô hình, cho tới những cảnh phim được xử lí bằng đồ hoạ vi tính thô sơ… đến thời điểm hiện tại, người xem đã có thể trọn vẹn thưởng thức những cảnh giao giữa những con quái vật chân thực và các robot được thiết kế vô cùng tỉ mỉ và công phu.
Power Rangers tạm khép lại bằng một cái kết có thể cho là khá cổ điển, nhưng vẫn kịp gài gắm trong đó những chi tiết hé mở những điều sẽ xảy ra trong phần phim sau đó - điều này còn mang lại nhiều tiếng vỗ tay reo hò hơn nữa từ hàng ghế khán giả trong phòng chiếu. Sự đón nhận nồng nhiệt ấy minh chứng cho một điều: hơn một bộ phim tái hiện lại nguyên vẹn những gì họ từng yêu thích, khán giả muốn được chứng kiến một phiên bản làm mới mà trong đó họ cảm thấy được các nhân vật và tư duy của bộ phim cũng như đang cùng họ trưởng thành theo tháng năm.
Bởi xét cho cùng, khi gặp lại một người bạn cũ, người ta sẽ háo hức tìm kiếm những thay đổi của đối phương, chứ nào ai mong muốn gặp lại một ai đó, chỉ để thấy họ vẫn giống y hệt bản thân họ của nhiều năm về trước. Đó cũng là cách mà Power Rangers đã sử dụng để thoát ra khỏi cái bóng “phim thiếu nhi” quá lớn đã đè nặng lên nó suốt nhiều thập kỉ qua.