Đầy chất thơ đến từ những tấm váy đẹp mê hồn, tác "Phantom Thread" là một trong những ứng cử viên tại Oscar 2018
Cách đây đúng 10 năm, There Will Be Blood với sự kết hợp của đạo diễn lừng danh Anderson và diễn viên gạo cội Daniel Day-Lewis đã thẳng tay càn quét hết các giải thưởng danh giá tại các lễ trao giải. Liệu Phantom Thread (Bóng Ma Sợi Chỉ) có làm nên được lịch sử khủng khiếp tương tự hay không vẫn còn là câu hỏi mở đến lễ Oscar năm nay.
Lấy bối cảnh London những năm 1950, cuộc đời và sự nghiệp nổi tiếng của Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) - người sáng lập một đế chế thời trang tại Anh là "The House of Woodcock" - đã được khắc họa rõ nét qua ống kính phim nhuộm tông màu cổ điển. Những buổi tiệc tùng xa hoa, tình yêu đậm sâu đầy đam mê của Woodcock cùng cô gái trẻ tuổi Alma đều là những thước phim đẹp đến khó cưỡng.
Như nhiều nghệ sĩ khác, cảm hứng sáng tác của Reynolds cũng đến từ những nàng thơ xinh đẹp. Thế rồi, cảm xúc cũng chỉ là một vật vô hình và bất định, đến một cách chóng vánh thì cũng ra đi thật vội vàng mà thôi. Nàng thơ sẽ còn giá trị gì khi cảm hứng chẳng còn trong đôi mắt của người nghệ sỹ si tình?
Ở đó có cô gái trẻ Johanna (Camilla Rutherford) đã tuyệt vọng khắc khoải cầu mong người thợ may tài năng Reynolds hãy ban phát ánh nhìn say đắm anh từng trao cho cô nhưng nào đâu còn có thể.
Nhưng sự xuất hiện của cô hầu bàn Alma (Vicky Krieps, nữ diễn viên 34 tuổi đến từ Luxembourg đã nhận nhiều giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc tại các liên hoan phim quốc tế) đã khiến cho cuộc sống của người thợ may có gout thẩm mỹ tinh tế với tính cách cầu toàn hoàn toàn đảo lộn.
Nhân vật hầu bàn Alma do Vicky Krieps, nữ diễn viên 34 tuổi đến từ Luxembourg đảm nhận.
Tình yêu, đối với Reynolds, chính là một thứ gia vị làm nền cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Sau hết thảy những mối tình đã đi qua cuộc đời anh, tất cả còn lại chỉ là những tấm váy tuyệt diệu mà người phụ nữ nào cũng thèm khát một lần được khoác lên mình.
Hành trình theo dấu nghệ thuật rồi cũng đến lúc mòn mỏi, nhất là khi thứ nghệ thuật thuần túy của anh giờ đây lại bị đồng tiền và các giá trị vật chất tầm thường bủa vây. Cộng hưởng cùng sự bất an trong tình cảm dành cho một người phụ nữ, Reynolds không còn kiểm soát được bản thân hơn nữa.
Ngôi sao Hollywood Daniel Day-Lewis trong vai Reynolds Woodcock, nhận đề cử nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho giải Oscar 2018.
Toàn bộ các thước phim của Phantom Thread giống như một show diễn thời trang chuyên nghiệp và chỉn chu nhất của thập niên 1950. Paul Thomas Anderson vẫn luôn là đạo diễn cầu kì và khắt khe trong từng góc quay và cách khai thác khuôn hình để làm nổi bật từng tình tiết trong phim. Một nhát cắt bén ngọt trên vải, từng đường chỉ thêu tinh tế trên sợi ruy băng… tất cả những chi tiết ấy đều phải là tinh túy nhất dưới ánh sáng vàng vọt và dịu êm.
Phantom Thread tiếp tục là một đứa con cưng của đạo diễn Paul Thomas Anderson dựng lên bằng việc quay bằng phim chứ không phải quay bằng kỹ thuật số. Đây cũng là một điểm đặc biệt giúp bộ phim đạt được tông màu cổ điển tự nhiên và cũng là điểm hút đến với những khán giả yêu loại hình phim theo xu hướng analog (phim nhựa).
Nhịp phim vẫn chậm, vẫn nên nên thơ và lãng mạn như cái cách người ta thường mường tượng về thế giới thời trang đầy nghệ thuật và xa hoa ấy. Người xem hẳn sẽ thấy rất nhiều dấu ấn Daniel Day-Lewis, rất nhiều Paul Thomas Anderson trong tác phẩm, bởi lẽ cả hai cũng là những nghệ sỹ thực thụ không ngừng khai phá và theo đuổi thứ nghệ thuật của riêng mình.
Đạo diễn của phim, Paul Thomas Anderson, nhận được đề cử cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất
Khép lại bộ phim nhẹ nhàng và nên thơ như Phantom Thread, người xem vẫn không thôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ về giá trị của nghệ thuật, tình yêu và giá trị bản thân trong cuộc đời này. Ấy vậy, khán giả lại thêm một phen hốt hoảng khi nghe tin tuyên bố giải nghệ của nam diễn viên tài năng Daniel Day-Lewis.
Có lẽ, mùa giải Oscar những năm sau sẽ không còn nhộn nhịp bởi thiếu vắng đi một tên tuổi gạo cội, chính điều đó khiến cho Oscar lần thứ 90 năm nay hẳn là một đường đua đáng để trông chờ.
Giải thưởng Viện Hàn lâm hay Giải Oscar là giải thưởng điện ảnh thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS).