IMDb : 6.5/10
Genius (2017): Bản mệnh thiên tài của thời đại mất mát
Genius gợi đến những ước mơ văn chương dữ dội, khai phóng cảm quan mới của con người…
Thiên tài (Genius, 2016) của đạo diễn Michael Grandage kể về tình bạn giữa hai người, Max Perkins – nhà biên tập sách được kính trọng nhất mọi thời đại và Thomas Wolfe – thiên tài văn học Mỹ mất sớm.
Đây là bộ phim mà trong lúc coi, người xem (nói vui) có thể phải dừng lại để tra google. Và khi hết phim cũng vậy, bạn phải bỏ thời gian để đọc thêm tiểu sử các nhân vật. Tất nhiên việc này sẽ dễ dàng hơn nếu trên tay bạn có sẵn bản dịch cuốn Max Perkins: Editor of Genius của tác giả A. Scott Berg – tư liệu chính viết nên kịch bản bộ phim này.
Max Perkins được ghi nhận là người đã phát hiện và nâng đỡ các thiên tài văn học như F. Scott Fitzgerald (nổi tiếng nhất với tiểu thuyết The Great Gatsby) và Ernest Hemingway (Giải Nobel Văn học 1954 với The Old Man and the Sea). Riêng sự gặp gỡ giữa Max và Thomas lại có ý nghĩa đặc biệt, đã làm thay đổi cuộc đời của hai người họ.
Khác với tính cách điềm tĩnh của Max, sự nổi tiếng lặng lẽ của F. Scott Fitzgerald hay Ernest Hemingway, Thomas Wolfe là thiên tài có tính cách huênh hoang, nổi loạn hơn hẳn. Trong lúc các nhà xuất bản từ chối Thomas, Max đã nhận ra “thiên tài” ẩn náu bên trong Thomas và cho anh ta cơ hội. Thành công sau này của Thomas có phần lớn công lao của Max Perkins nhưng bản thân Max chưa bao giờ thừa nhận điều đó. Thomas – trong mắt Max Perkins – chính anh ta đã là một thiên tài không gì thay thế được.
Tình bạn ngắn ngủi giữa Max Perkins và Thomas Wolfe là minh chứng sâu sắc cho câu nói “thiên tài dẫn lối thiên tài”. Sau đó, họ đều đạt đến thành công phi thường. Tiểu thuyết đầu tay của Thomas Look Homeward, Angel (viết 4 năm) đã đưa anh lên hàng ngũ tiên phong của văn học thế kỷ XX. Tác phẩm of time and the river sau đó cũng là một kiệt tác, bán chạy nhất không riêng gì tại Mỹ.
Trong Genius, chân dung Thomas được dựng lại với phẩm chất thiên tài kỳ dị, những ám ảnh và mặc cảm sâu thẳm bên trong, đã thâu tóm anh ta vào thế giới nhân vật của mình. Bạn sẽ thấy Thomas hoàn toàn là “người điên”. Có lẽ, với cái “điên” ấy đã trao cho Thomas một đặc ân thấy được các dấu hiện sự sống – ẩn khuất đâu đó trong cái thành phố hiện hữu, mà không ai có thể thấy được.
Sự nổi tiếng nhanh chóng đã khiến Thomas nổi loạn, thậm chí nghi ngờ thành công đó không thuộc về chính mình. Thomas xung đột với Max và đôi khi xúc phạm đến các nhà văn đàn anh. Nhưng Max Perkins luôn cảm thông cho điều đó. Bởi hơn ai hết, Max hiểu được, sự nổi loạn của “Tom” (tên gọi thân mật của Thomas) bị chi phối bởi đam mê mãnh liệt, trào dâng và đôi khi thiếu kiểm soát.
Ngoài việc ca ngơi tình bạn đặc biệt giữa hai thiên tài có tính cách đối lập nhau. Genius cũng đề cập đến mối quan hệ giữa tác giả và nhà biên tập sách. Hành trình ra đời 1 kiệt tác – thật sự – là một quá trình gian nan, thậm chí phải đánh đổi bằng thời gian, trí lực, hạnh phúc cá nhân và đôi khi, là việc anh ta chấp nhận cái bản mệnh tai ương mà số phận đã đặt lên “thiên tài” của mình.
Genius gợi đến những ước mơ văn chương dữ dội, khai phóng cảm quan mới của con người. Thiên tài – không hẳn là một danh từ hào nhoáng, đẹp đẽ hơn chính cuộc đời kỳ lạ của người mang theo nó. Những cuộc đời đã làm nên những câu chuyện.