IMDb : 7.5/10
'Himalaya' - Kỳ tích không tưởng của điện ảnh Nepal
Năm 1999, thế giới điện ảnh sửng sốt khi lọt vào Top 5 đề cử Oscar phim tiếng nước ngoài hay nhất, là Himalaya – L'enfance d'Un Chef (Cháu nội của vị thủ lĩnh), được gọi tắt là Himalaya – đến từ đất nước Nepal xa xôi hẻo lánh. Cảm giác đầu tiên của tôi khi xem bộ phim này là “choáng đến bần thần”, rồi suy nghĩ “làm sao con người có thể làm ra được một bộ phim như vậy?
Khi bạn nghĩ về văn hóa Tây Tạng của các quốc gia trong dãy Himalaya hùng vĩ, trong đầu bạn sẽ lóe lên cái tên quen thuộc: Đạt Lai Lạt Ma, hay là hai bộ phim của Hollywood làm về vùng đất này năm 1997: 7 năm ở Tây Tạng và Kundun. Nepal – quốc gia Nam Á nhỏ bé có 8 trong số 10 đỉnh núi cao nhất thế giới, thực chất không hề có điện ảnh. Truyền hình chỉ mới đến đất nước này vào những năm 1980…
Câu chuyện nhỏ giữa không gian kỳ vĩ
Bộ phim mở màn bằng sự trở về của một đàn bò Tây Tạng, theo thông lệ chở đầy muối – nhưng lần này có thêm thi thể của Lhakpa, người dẫn đầu đoàn lữ hành, con trai của vị trưởng làng cao niên Tinle (Thinlen Lhondup). Sau cái chết đột ngột của Lhakpa, bạn anh, chàng trai Karma tài ba (Gurgon Kyap) tất yếu trở thành người dẫn đầu kế tiếp của đoàn du mục. Nhưng lão Tinle kịch liệt phản đối điều này, thậm chí nghi ngờ Karma, hậu duệ của một gia đình từng tranh giành quyền lãnh đạo ngôi làng, là người ra tay hạ sát Lhakpa.
Tinle cố gắng tìm một thủ lĩnh trong dòng họ của mình, nhưng đứa con trai kế của ông, Norbou (Karma Tensing Nyima Lama), từ chối vai trò này vì anh đang là tu sĩ kiêm họa sĩ tại một tu viện. Tinle không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự mình lãnh đạo đoàn du mục, mặc dù tuổi đã cao. Tiện thể ông đưa theo đoàn đứa cháu đích tôn còn nhỏ dại để kèm cặp dạy dỗ.
Chàng trai Karma phản đối những cáo buộc của Tinle đối với mình, anh dẫn đoàn du mục gồm toàn thanh niên trai tráng đi theo con đường mà anh khẳng định là nhanh và an toàn hơn. Còn Tinle thì dẫn một đoàn du mục khác gồm toàn ông bà lão và trẻ em đi theo lộ trình của tổ tiên xưa nay. Sự cố chấp của Tinle đã đẩy đoàn du mục của ông phải đương đầu với những con đường mòn nguy hiểm và những cơn bão tuyết…
Cuộc đua tranh giữa một già một trẻ để khẳng định con đường của mình chọn là đúng, ai sẽ thắng?
Từ nhà báo đến đạo diễn
Cuộc đời du mục của những người chăn bò Tây Tạng đã lôi cuốn nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo người Pháp, Eric Valli, khi ông lần đầu tiên tới thăm vùng này với tư cách một nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên của tuần báo National Geographic năm 1981. Trong vùng Dolpo ở miền tây bắc Nepal, những người chăn bò và gia đình của họ vẫn sống giống y như tổ tiên ngày xưa, thấm nhuần văn hóa Tây Tạng và Hindu trong những ngôi làng tựa lưng vào những vách đá của dãy Himalaya hùng vĩ. Dân ở đây sống dựa vào những đàn bò Tây Tạng mà họ chăn dắt từ cao nguyên Tây Tạng tới những vùng đất thấp ở Nepal, nơi họ bán muối của miền bắc để đổi lấy ngũ cốc của miền nam.
Thâm nhập vào cuộc sống của người Dolpo, Valli bị lôi cuốn trước thiên nhiên hoang sơ của vùng đất và con người nơi đây, Valli tự nhận mình là dân du mục, và sống ở đó gần hai thập niên, học ngôn ngữ và kết bạn với hầu hết người dân ở đây. Sau này Valli đã thực hiện một cuốn sách đoạt giải (The Honey Hunters) và một bộ phim tài liệu (Shadow Hunters) về vùng Himalaya này.
Dường như vẫn chưa thoả mãn, Valli muốn chuyển sang làm tác phẩm điện ảnh – để mô tả đất nước đã lôi cuốn ông. “Điều khó chịu của một nhà làm phim tài liệu là không thể khơi gợi cảm xúc của nhân vật nhiều như tôi muốn”, vị đạo diễn sinh ra ở Dijon (Pháp) này nói. “Điện ảnh là cách hay nhất để nắm bắt cuộc đời thực, nắm bắt cảm xúc”, ông nhận định. “Khi bạn là một nhiếp ảnh gia hay một nhà làm phim tài liệu, bạn là một người nắm bắt hình ảnh. Khi bạn là một nhà làm phim điện ảnh, bạn là một người tạo nên hình ảnh”.
Được dựa sơ theo những sự kiện có thật trong cuộc đời của người bạn già Thinlen Lhondup – người sau này thủ vai chính, Tinle – Valli cùng với Olivier Dazang viết kịch bản phim Himalaya – L'enfance d'Un Chef. Valli tìm được một đối tác là nhà sản xuất người Pháp lừng danh Jacques Perrin.
Kỳ quan điện ảnh hiếm hoi mà con người từng tạo ra
Thử thách lớn nhất của bộ phim là việc quyết định quay tại địa điểm thật ở thung lũng Dolpo (Nepal). Với độ cao từ 3.962 mét tới 6.096 mét, có thể nói đây là trường quay tự nhiên khắc nghiệt nhất thế giới. Để đi được đến đó chỉ có một cách duy nhất là… cuốc bộ. Nhân lực đoàn phim chủ yếu là sử dụng người địa phương, còn thành phần kỹ thuật chính của đoàn chỉ có 15 người Pháp và Canada – những người đáp ứng được điều kiện sức khỏe, để có thể làm việc ở độ cao ghê người như thế trong 9 tháng ròng rã.
Đạo diễn Eric Valli không hề nhờ cậy vào các hiệu ứng đặc biệt (ngoại trừ một con bò Tây Tạng bằng sợi thủy tinh được dùng cho một cảnh rơi chết chóc). Cực kỳ ấn tượng là cảnh bão tuyết được bấm máy… với lớp bột ngập đến tận eo, suốt mùa đông ở Himalaya. Suốt nhiều tháng, đoàn phim phải ngủ trong lều khi nhiệt độ xuống âm 30 độ C, còn ban ngày thì bấm máy đến mệt lử do phải làm việc ở độ cao có không khí cực loãng. Khổ nhất là vận chuyển mọi thứ từ thiết bị cho đến con người đều bằng sức của bò Tây Tạng và phu khuân vác. “Mỗi ngày nó lấy đi sức lực của bạn từng tí một, và không ai có thể chống lại điều đó. Nó làm tiêu hao sức lực của mọi người, và đến cuối ai cũng sụt ít nhất là 10kg, kể cả tôi, người có hàng chục năm sống ở đây!”, Valli kể.
Thử thách lớn thứ hai của đạo diễn Valli là việc sử dụng 99% diễn viên không chuyên. Ngoại trừ cô Lhapka Tsamchoe từng xuất hiện trong phim Bảy năm ở Tây Tạng trước đó, còn lại Valli sử dụng những con người thật của họ, các Lạt Ma, những ông trưởng làng, những người dân của làng Dolpo… “Trong số họ có nhiều người chưa từng xem một bộ phim nào trong đời, vì thế chúng tôi đã phải giúp họ hiểu thế nào là một bộ phim, thế nào là một camera và cấu trúc của nó”. Valli nói. “Tất cả họ đều chìm vào giấc mơ điên rồ là được đóng một bộ phim, một bộ phim điện ảnh nói về họ, về tình yêu và sự đố kỵ, về chiến đấu, đoàn tụ rồi vỡ òa cảm xúc”. Cuối cùng, nhiều việc quay nhiều lượt của các diễn viên cũng được đền đáp. Để đền đáp sự giúp đỡ của người dân Dolpo, Valli thực hiện lời hứa là cho cậu bé Karma Wangiel đóng vai cháu nội của trưởng làng Tinle, được đi học ở Kathmandu, thủ đô Nepal, và cho xây một ngôi trường ở Dolpo.
“Ông lão Thinlen Lhondup nhấn mạnh điều quan trọng phải làm bộ phim này, trước khi truyền thống của người Dolpo tan biến như tuyết dưới mặt trời. Bạn hãy đi tới nơi này khi nó còn hoang sơ”, Valli giải thích. “Bạn có thể cảm nhận được cái lạnh, sự mệt nhọc… Về cơ bản, bạn cảm nhận được thế nào là Himalaya”
Những hình ảnh đàn bò Tây Tạng hàng trăm con trong phim lao ầm ầm xuống các thung lũng giữa mịt mù cát bụi, hay một xác chết đang bị rút rỉa bởi những con kền kền trong một nghi thức thiên táng thật ngoạn mục... Và điều còn đọng lại nhất cho người xem là nhạc nền đầy ám ảnh của Bruno Coulais – một trong những nhạc phim ấn tượng nhất của thập niên 1990. Himalaya đã đoạt 2 giải Cesar (Pháp), và trở thành bộ phim đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Nepal được đề cử giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất vào năm 1999.